Phượng vỹ nguy hiểm dễ gãy, đổ nhánh: Sao còn trồng trong sân trường?

TPO - Cây phượng vỹ ngã đổ tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) làm 18 học sinh thương vong sáng 26/5. Loại cây này  là một trong 3 chủng loại cây nguy hiểm nhất, chiếm tỷ trọng cao về sự cố ngã đổ, rơi gãy nhánh nhưng lại được trồng khá phổ biến, đặc biệt là tại các trường học.

Tại hội thảo về “An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TPHCM” diễn ra mới đây, báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã chỉ ra phượng vỹ là một trong 3 chủng loại cây chiếm tỷ trọng cao nhất về sự cố ngã đổ, rơi gãy nhánh, gây tổn thương, thiệt hại tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Cụ thể: Thống kê trong 3 năm, từ 2013 đến 2016, toàn TPHCM xảy ra hơn 1.900 sự cố cây xanh gãy nhánh và 751 sự cố ngã đổ cây, trong đó chủng loại phượng vỹ có 177 vụ gãy nhánh và 84 vụ ngã đổ cây, chỉ xếp sau 2 chủng loại cây lim sét và sao đen.

Phượng vỹ nguy hiểm dễ gãy, đổ nhánh: Sao còn trồng trong sân trường? ảnh 1 Cây phượng vỹ cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bị bật gốc làm 18 học sinh thương vong vào sáng 26/5 

Các sự cố về cây xanh nói trên đã làm 4 người chết, 33 người bị thương.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 26/5, đại diện Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) cho biết nguyên nhân khách quan gây ra các sự cố gãy đổ cây xanh là do tác động của biến đổi khí hậu bất thường, mưa to kèm giông lốc cục bộ.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa với việc xây dựng các cao ốc làm thay đổi hướng gió gây nên hiệu ứng đường hầm làm cho cây xanh dễ ngã đổ, gãy cành, tét nhánh. Một số chủng loại cây như phượng vỹ, sọ khỉ có rễ ăn ngang không còn phù hợp trong điều kiện đô thị hiện nay…

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan, lỗi thuộc về con người gây ra các sự cố gãy đổ cây xanh như: Quy hoạch hạ tầng chưa đồng bộ, trong quá trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè, hạ tầng… đã làm ảnh hưởng đến bộ rễ, hạn chế sự phát triển của cây xanh.

Phượng vỹ nguy hiểm dễ gãy, đổ nhánh: Sao còn trồng trong sân trường? ảnh 2 Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, phượng vỹ là một trong 3 chủng loại cây chiếm tỷ trọng cao nhất về sự cố gãy, đổ cây xanh gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản người dân TPHCM

Việc thi công các công trình trên vỉa hè chưa quan tâm đến biện pháp, phương án bảo vệ, giữ gìn cây xanh. Các ngành liên quan như điện, viễn thông… trong quá trình thi công hạ tầng phối hợp không chặt chẽ, gây thiệt hại đến cây xanh đường phố như xâm hại bộ rễ, chặt nhánh không đảm bảo kỹ thuật…

Đáng báo động là tình trạng xâm hại dẫn đến cây xanh đường phố không còn an toàn ngày càng diễn ra phổ biến, trong khi việc ngăn ngừa chưa hiệu quả,…

Một số cây cổ thụ già cỗi, tiềm ẩn hư hại, khiếm khuyết bên trong thân và dưới bộ rễ (mục, bọng, thối…) nhưng chưa phát hiện đánh giá kịp thời. Chuyên gia cây xanh Nguyễn Trịnh Kiểm kể: Vừa qua, khi TPHCM đốn hạ 7 cây dầu tại công trường Lam Sơn (trước Nhà hát TPHCM) để thi công nhà ga Nhà hát TPHCM thuộc dự án tuyến metro số 1, nhiều người hoảng hồn khi phát hiện không cây nào còn rễ cọc và bộ rễ chùm cũng bị mục rất nhiều, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, trong khi khu vực này mật độ lưu thông rất cao.

Nhiều vụ cây xanh ngã đổ do mục gốc diễn ra khá phổ biến như vụ đổ cây sọ khỉ loại 3 trên đường Nguyễn Đình Chiểu (góc Mai Thị Lựu) hay cây sao loại 3 trên đường Mạc Đỉnh Chi (cùng thuộc quận 1) bộ rễ bị mục gần hết.

Phượng vỹ nguy hiểm dễ gãy, đổ nhánh: Sao còn trồng trong sân trường? ảnh 3 Một trong 7 cây dầu bị đốn hạ để làm nhà ga Nhà hát TP tuyến metro số 1 bộ rễ bị mục hầu như hoàn toàn, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào

Theo ông Kiểm, những cây xanh cổ thu già cỗi, không còn đảm bảo an toàn cần phải có kế hoạch bảo tồn hoặc đốn hạ thay thế bằng những cây xanh mới nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân.

Liên quan đến vụ cây phượng vỹ trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) bật gốc làm 18 học sinh thương vong vào sáng 26/5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết đã yêu cầu Công an TPHCM chỉ đạo Công an Quận 3 vào cuộc, điều tra nguyên nhân cây phượng bật gốc và xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nói hàng năm, UBND TPHCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đều có chỉ đạo rà soát cây xanh tại các cơ sở giáo dục. Từ vụ việc này, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo thực hiện việc rà soát, đảm bảo an toàn cây xanh tại các trường học quyết liệt hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Đào tạo Giáo dục phía Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), sau tai nạn này câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng, trường học về việc đánh giá rà soát không phải về cây xanh mà còn những vấn đề khác liên quan đến an toàn ở trường học.

“Về giải pháp, chúng ta cần có đánh giá, rà soát toàn bộ cây xanh trường học của thành phố. Về lâu dài cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ cây xanh ở từng trường học. Ngành giáo dục sẽ kiến nghị với chính quyền thành phố cần xây dựng chuẩn an toàn về cây xanh trong trường học”, ông Trường chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...