![]() |
Xe taxi điện lưu thông trên đường phố Hà Nội |
Cơ chế, chính sách chưa phù hợp
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, thành phố hướng tới chuyển đổi toàn bộ xe taxi và xe cá nhân (ô tô, xe máy) sang sử dụng năng lượng xanh, không chỉ riêng xe buýt. Chủ trương này nhằm đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh.
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 2 Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), do quy định trên còn nhiều bất cập nên chưa có doanh nghiệp hoặc đơn vị nào tiếp cận được chính sách. Thực tế, chưa có quy định rõ ràng về hạn mức hỗ trợ lãi vay; điều kiện vay phải theo dự án được UBND thành phố duyệt là chưa phù hợp với thực tế; mức hỗ trợ 50% trong 5 năm đầu chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp,…
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hiệp hội mới chỉ nắm được chủ trương chuyển đổi xanh do thành phố đặt ra, chưa có thông tin nào về lộ trình, kế hoạch thực hiện mục tiêu trên. Do đó, họ chưa có cơ sở để đánh giá tính khả thi của chủ trương này. “Nhiều doanh nghiệp vận tải còn băn khoăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ra sao…”, ông nói.
Khuyến khích sử dụng năng lượng xanh
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc - Tổng biên tập NXB Giao thông vận tải, Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với xe ô tô điện. Có thể kể tới Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, quy định ô tô điện được miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí trước bạ trong 2 năm tiếp theo. Nhà nước cũng ban hành các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô điện như ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, ưu đãi với sản xuất pin lithium và pin nhiên liệu… Tuy nhiên, chưa có chính sách nào hỗ trợ, ưu đãi đối với xe máy điện. Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy điện phải chịu thuế suất 20% khi nhập khẩu linh kiện. Xe máy điện vẫn chịu lệ phí trước bạ và phí cấp biển số như xe máy xăng.
Nhiều rào cản lớn vẫn hiện hữu như thói quen tiêu dùng của người dân, số lượng xe quá lớn (Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy, 200.000 xe máy điện), hệ thống trạm sạc chưa phổ biến… Vì vậy, những doanh nghiệp xe máy đang chiếm thị phần lớn tại Hà Nội vẫn tập trung sản xuất xe máy xăng. Khi chưa được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ, việc sản xuất xe máy điện có thể gặp rủi ro cao vì chi phí phát triển, sản xuất, phân phối sẽ tăng vọt, gây nguy cơ giảm doanh số, thị phần.
Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã ban hành chính sách hỗ trợ cho cả xe máy và ô tô điện. Indonesia áp thuế phương tiện xe cơ giới 0% đối với xe điện (so với mức 1-10% của xe xăng), giảm 5.000 USD trên giá bán ra của mỗi chiếc ô tô điện và 500 USD với mỗi chiếc xe máy điện. Thái Lan trợ cấp từ 5.000-10.000 baht (tương đương 3,5 - 7 triệu đồng) đối với người mua xe máy điện có giá bán dưới 150.000 baht (khoảng 100 triệu đồng) và sử dụng bộ pin có công suất tối thiểu 3kWh.
“Từ trước đến nay, xe máy vẫn là nguồn phát thải chính trong các phương tiện giao thông. Vì vậy, cần phải có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện trong thời gian sớm nhất. Chẳng hạn như miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xe máy điện; hỗ trợ đổi xe máy cũ, ưu đãi vay vốn cho người mua,…”.
TS. Nguyễn Xuân Thủy
Giải pháp cụ thể về hạ tầng
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết, đầu năm nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ). Hà Nội thí điểm lập LEZ ở một khu vực tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình từ năm 2025, hướng tới lập LEZ tại các quận từ năm 2031. Theo ông Tùng, thành phố cần sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh cho phương tiện công cộng và cá nhân tại khu vực thí điểm trong năm nay, sau đó dần dần nhân rộng ra các khu vực khác nếu thấy hiệu quả.
Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xây dựng một mạng lưới trạm sạc phủ khắp thành phố để đáp ứng nhu cầu sạc điện của các phương tiện cá nhân sử dụng điện. TS. Thủy đề xuất, Hà Nội có thể nghiên cứu phương án ưu đãi tiền thuê đất, thuế sử dụng đất… cho doanh nghiệp tại những khu vực xây dựng trạm sạc, vì rất nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới vấn đề này.
Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá, nhu cầu xe điện tại Việt Nam đang tăng do người tiêu dùng quan tâm hơn đến môi trường, nhất là với thế hệ từ 25-44 tuổi có sức mua mạnh.
Theo TS Thủy, Hà Nội cần nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, giúp người dân giảm phụ thuộc vào xe cá nhân. TS Thủy dự đoán, đến năm 2040, số lượng xe máy tại Hà Nội sẽ chỉ chiếm khoảng 30% tổng số phương tiện giao thông.
Hà Nội vẫn phải đối diện nhiều nút thắt về hạ tầng giao thông. Còn nhiều tuyến đường hẹp, chiều rộng trung bình chỉ từ 7-15 m, ít tuyến đường có chiều rộng từ 30-40 m; các cửa ngõ thành phố đều chật chội, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông…