Các mặt trận chính mà phương Tây đang mở ra nhằm vào Trung Quốc bao gồm biển Đông, công nghệ, COVID-19, các sáng kiến lớn liên quan quốc tế, dân chủ và nhân quyền.
Về vấn đề biển Đông, tháng 7, Mỹ ra tuyên bố lập trường biển Đông, chính thức bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông, bày tỏ ủng hộ các nước ASEAN trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Sau đó, chính phủ Úc gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc, tuyên bố yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là phi pháp, chấm dứt lập trường trung lập của mình đối với Trung Quốc, không còn đơn thuần là nước đi theo Mỹ mà chủ động hành xử chống Trung Quốc, dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu ngụ ý rằng, Úc sẽ sát cánh hơn với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), cho biết, Úc sẽ cố gắng có vai trò chủ động hơn trong Bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc bằng cách tăng cường các cuộc tập trận hải quân ở biển Đông; tập trận cả song phương với Mỹ, cả đa phương với Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp.
Về công nghệ, Mỹ đã cấm cửa hoặc đang từng bước hạn chế hoạt động của các công ty, ứng dụng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, ZTE, TikTok, WeChat… Cả Mỹ và Úc gia tăng cáo buộc nhà nước và quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các nhóm tin tặc tấn công vào các tổ chức ở nước ngoài, trong đó có Mỹ, Úc. Hồi tháng 6, Thủ tướng Úc nói rằng, Úc bị hacker Trung Quốc tấn công mạng. Tháng 6, Cục Điều tra liên bang (FBI) của Mỹ tuyên bố đang điều tra 2.000 vụ liên quan gián điệp công nghệ đến từ Trung Quốc.
Về các sáng kiến, tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc) cạnh tranh mạnh với Mỹ về mặt công nghệ, chế tạo và liên quan tới công ăn việc làm nên quyết tâm chống lại, đầu tiên là đánh thuế cao các ngành mũi nhọn thuộc kế hoạch này. Sáng kiến Vành đai-Con đường ngày càng bị nghi ngờ là bẫy nợ và công cụ chính trị, quân sự của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào cảng biển ở Campuchia, Myanmar, Pakistan… bị tình nghi là phát triển căn cứ hải quân.
Trong khi đó, Trung Quốc bị không ít láng giềng nghi ngờ, bày tỏ thái độ cứng rắn. Nhiều nước đã hủy các dự án hạ tầng lớn với Trung Quốc và/hoặc yêu cầu Trung Quốc giãn nợ, xóa nợ như Sri Lanka, Malaysia, Pakistan, Kyrgyzstan… Ấn Độ đã cấm TikTok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc, tẩy chay hàng hóa Trung Quốc… Một số nước ASEAN đã gửi các công hàm tới Liên Hợp Quốc để phản đối phía Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Trong bối cảnh phức tạp như vậy, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc ưu tiên khôi phục kinh tế. Ngày 25/8, tại hội thảo có sự góp mặt của các nhà kinh tế và cố vấn chính sách, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc phải chủ động hợp tác với tất cả các quốc gia, khu vực và doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp, bang, thành phố của Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sáng 25/8 (giờ Bắc Kinh) điện đàm với Đại diện thương mại và Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhằm hạ nhiệt chiến tranh thương mại. Cả phía Trung Quốc và Mỹ đều nói rằng, điện đàm mang tính xây dựng, đề cập thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được đầu năm 2020.