Phương pháp hiệu quả hạn chế sinh non

Phương pháp hiệu quả hạn chế sinh non
Trung bình 10 ca thì có một trường hợp sinh non với những hậu quả tiềm ẩn lâu dài đối với trẻ. Để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn hiện tượng này, các chuyên gia Australia đang áp dụng một phương pháp khá hiệu quả.

Giống như hầu hết các phụ nữ lần đầu làm mẹ, Sheridan háo hức chờ ngày con chào đời. Nhưng điều cô không ngờ là bé sinh sớm 6 tuần, hôm đó cả gia đình cô hoảng loạn đón xe cấp cứu tại bệnh viện lớn gần nhà, rồi mẹ phải về nhà một mình sau khi sinh, còn con trai mới sinh vẫn ở phòng chăm sóc tích cực. Đó là ngày 23-12-2013, trong khi ngày dự kiến sinh của bé Isaac là 29-1-2014.

Theo y lý, sinh non là các ca em bé được sinh trước 37 tuần tuổi thai, trong khi đáng lo nhất là những trẻ được sinh ra trước 34 tuần. Thuật ngữ “sinh non” chỉ ra 3 dạng cơ bản: Một là người mẹ chuyển dạ trước thời điểm dự kiến; thứ hai là những sản phụ bị vỡ ối non mà không có cơn co thắt tử cung; thứ ba là những em bé phải mổ lấy ra gấp vì một số nguy cơ cho cả mẹ và bé, chẳng hạn như tiền sản giật, bé không phát triển tốt trong bụng mẹ hoặc nhau bong non. Sinh non tự phát chiếm khoảng 30-40 % số ca sinh non và đây là nhóm mà ngành y đang nỗ lực xác định để tránh tai biến.

Điều đáng ngạc nhiên là quá trình chuyển dạ tự nhiên của người mẹ đến nay chưa được hiểu rõ, bác sỹ Jon Hyett – chuyên gia đầu ngành sản tại bệnh viện Royal Prince Alfred, Australia nhấn mạnh. Cơ chế này rõ ràng là phức tạp hơn nhiều so với một số động vật như chuột, cừu…, một phần vì quan hệ giữa thai nhi và mẹ trong quá trình đó phức tạp hơn.

Một số nguyên nhân sinh non có thể kể đến: Một số loại viêm nhiễm tiềm ẩn hoặc do cổ tử cung mở sớm bất thường (đến nay hiện tượng này có thể phát hiện được sớm và có phương pháp điều trị). Hiện nay, ngành sản ở Australia đang áp dụng một công cụ dự báo sinh non tự phát là đo chiều dài cổ tử cung. Qua siêu âm phần cổ tử cung mà em bé phải chui qua nếu quá ngắn có thể tăng nguy cơ sinh non.

Cùng với xác định nguy cơ, bước quan trọng không kém là can thiệp để ngăn chặn ở phụ nữ có nguy cơ cao. “Chúng tôi phải mất 5 năm thử nghiệm để đưa ra giá trị tiên đoán chiều dài cổ tử cung, nhưng chỉ thực sự đến năm 2013, chúng tôi mới đủ cơ sở xác định rằng cung cấp hormone progesterone cho phụ nữ mang thai khi họ có cổ tử cung ngắn sẽ giảm nguy cơ sinh non”, bác sỹ Hyett cho biết. Phương pháp được bác sỹ Hyett thực hành thường xuyên trong bệnh viện hiện nay là gắn vòng tránh thai progesterone, số ít mới phải khâu cổ tử cung đề phòng sảy thai.

Công nghệ chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh ngày càng phát triển nên ngay cả em bé sinh ra ở tuần thứ 24 dù rất nhỏ nhưng vẫn có cơ hội sống sót. Nhưng việc phát hiện sớm và giảm thiểu nguy cơ sinh non vẫn rất cần thiết bởi sinh non còn đi kèm với chi phí đáng kể cho sức khỏe cả đời từ vấn đề phát triển đến nguy cơ bệnh tim sau này.

Theo Yến Chi

Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG