Phương án nào cho 2 dự án luật do Bộ Công an chủ trì sau kết quả thăm dò?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh: THÀNH NAM
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh: THÀNH NAM
TP - Một trong những điểm mới, nhận được nhiều sự quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là việc lấy ý kiến các dự án luật do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo.

Kết quả cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ và không cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Vậy “số phận” hai dự án luật này sẽ ra sao sau kết quả thăm dò ý kiến?

Chính phủ đề xuất, Thường vụ quyết định

Trở lại phiên thảo luận tại Quốc hội, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, nếu chưa ra được luật, nên giao Chính phủ ban hành ngay văn bản trên cơ cở các nguyên tắc Quốc hội thống nhất trong nghị quyết kỳ họp. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nếu thấy cần thiết thì hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội ban hành vào thời điểm phù hợp.

“Cách làm luật” như trên ngay lập tức vấp phải sự tranh luận gay gắt của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Thể hiện thái độ lo lắng về quy trình lập pháp, ông Vân cho rằng, với cách làm luật như hiện nay, sẽ xảy ra tình trạng có những đạo luật “bỗng dưng nhảy vào nghị trường”. “Một vấn đề không chế định được bằng luật thì không nên chế định bằng nghị định”, ông Vân cho hay. Đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Vân nhấn mạnh quan điểm, nếu Quốc hội “không đồng tình” thì nghiễm nhiên không làm luật đó nữa.

Trao đổi với phóng viên về những phản ứng của đại biểu Quốc hội và kết quả lấy phiếu thăm dò kể trên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, điều này cho thấy có “cả tiến, cả lùi” trong quá trình làm luật. Tuy nhiên, ông Phúc cũng khẳng định “quy trình rất đúng” và bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, mỗi năm có hàng chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông, luôn là vấn đề nhức nhối trong toàn xã hội. Vì vậy Chính phủ sốt ruột, tìm giải pháp nên đã có sáng kiến tách ra làm 2 luật.

Quốc hội và các cơ quan Chính phủ đều rất muốn bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nhưng theo ông Phúc, do thời gian chuẩn bị gấp, nên các dự án luật cần thêm thời gian để xem xét, đánh giá kỹ hơn. “Chúng tôi rất cầu thị, xin ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ chuyển toàn bộ những nội dung này cho ban soạn thảo, Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật”, ông Phúc cũng lưu ý, đây mới chỉ là bước cho ý kiến ban đầu, chứ chưa phải thông qua dự án luật. “Do còn rất nhiều ý kiến nên Quốc hội yêu cầu trả lại cho Chính phủ tiếp thu. Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ kết quả lấy ý kiến cho Chính phủ. Sang kỳ họp sau, trình 1 hay 2 luật do Chính phủ quyết định, đề xuất”, ông Phúc cho hay.

“Sắp tới Ủy ban thường vụ quốc hội sẽ bàn ”

Về quy trình làm luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang lý giải, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì thẩm tra, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung này được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình. Theo ông Giang, giữa hai kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền điều chỉnh, đưa dự án cấp bách vào chương trình làm luật.

Phương án nào cho 2 dự án luật do Bộ Công an chủ trì sau kết quả thăm dò? ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Trường Giang
Khi đưa ra Quốc hội thảo luận, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ cho ý kiến. Khi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để làm cơ sở chỉnh lý.

Về “số phận” các dự án luật sau kết quả thăm dò, ông Giang khẳng định, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền sẽ thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ trì, giao cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội xem xét. Nếu thấy đủ điều kiện vẫn có thể trình 2 dự án luật ra kỳ họp thứ 11. Sắp tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn về các nội dung này", ông Nguyễn Trường Giang cho hay.

Một thành viên trong cơ quan thẩm tra khác cũng phát biểu tranh luận rất nhiều trong quá trình thảo luận là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Cả khi trao đổi với phóng viên cũng như trên nghị trường, ông Hồng đều khẳng định, ông phát biểu không phải với tư tưởng “ăn cây nào rào cây ấy”. Theo ông, việc các đại biểu tranh luận về một vấn đề nào đó là hết sức bình thường trong quá trình làm luật.

“Các đại biểu chỉ bàn đến việc tách hay không tách, bàn chuyển thẩm quyền quản lý, sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an chứ chưa quan tâm nhiều đến các quy định khác, như tuần tra, xử lý vi phạm, tổ chức giao thông… những vấn đề là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông trong thời gian qua. Tôi cảm thấy tiếc là các đại biểu chưa bao quát hết hai nội dung luật”, ông Hồng nêu quan điểm.

Đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh quan điểm, nếu Quốc hội “không đồng tình” thì nghiễm nhiên không làm luật đó nữa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang lý giải, khi đưa ra Quốc hội thảo luận, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ cho ý kiến. Khi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để làm cơ sở chỉnh lý.

MỚI - NÓNG