Cần tìm lối đi riêng để phát triển
Sáng 3/3, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 với chủ đề “Phú Yên - Khát vọng phát triển”. Đến tham dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận.
Tại đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao quyết định của Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tỉnh Phú Yên đến thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tỉnh Phú Yên nhân dịp đón nhận quyết định phê duyệt quy hoạch chung thời kỳ 2021 - 2030. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Phú Yên được biết đến là vùng đất “phú”, trời “yên”, giàu tiềm năng. Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh những lợi thế riêng có về địa kinh tế; là cầu nối gắn kết các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Phú Yên hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững phù hợp với xu thế của toàn cầu.
Đối với bản quy hoạch tỉnh Phú Yên được công bố, Phó Thủ tướng đánh giá: Quy hoạch tỉnh Phú Yên đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước là với các trụ cột: Kinh tế số, công nghiệp - năng lượng xanh; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đầu tư. |
Để đạt được những mục tiêu tham vọng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Yên cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để Phú Yên trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.
Phó Thủ tướng đề nghị Phú Yên triển khai các nhiệm vụ, cụ thể của quy hoạch như: Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển. Đi kèm với đó là tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa, kết nối với các đô thị lớn và khu công nghiệp trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đề nghị cũng Phú Yên chú trọng huy động nguồn lực từ chính quy hoạch thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp- dịch vụ gắn với các công trình hạ tầng hướng tuyến. Chú trọng phát triển kinh tế đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc và có môi trường đáng sống. Chú trọng giáo dục, y tế để nâng cao chất lượng, thể chất nguồn nhân lực. Phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ để thu hút, giữ chân nhân tài và tạo nên sức hút hấp dẫn cho lao động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
“Tôi rất đồng tình với định hướng đưa du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cần có chiến lược liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ như: dịch vụ vận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe…vốn đang là hạn chế của du lịch Phú Yên, để tạo được giá trị gia tăng. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế có tính chất điểm nhấn; khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập. Đặc biệt cần có chiến lược quảng bá 'Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh' qua điện ảnh, văn học, nghệ thuật và các nền tảng truyền thông đa phương tiện”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức thực hiện
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết: Trên bước đường hơn 400 năm thành lập, bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân, tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để khắc phục và phấn đấu vươn lên. Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, nhiều định hướng mới, mục tiêu mới cho Phú Yên trên con đường phát triển trong tương lai.
Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tiếp thu tại hội nghị. |
“Ngay sau hội nghị này, Phú Yên sẽ tập trung thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của quy hoạch tỉnh đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức thực hiện; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; quyết tâm cải cách hành chính, chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tạo đột phá trong nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, từng bước hiện thực hóa các định hướng của quy hoạch”, ông Phạm Đại Dương nói.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp, du lịch dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vận tải biển và logistics.
Tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đến năm 2030 đạt khoảng 8,5-9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng.
Tỉnh Phú Yên có thế mạnh về biển đảo với nhiều cảnh sắc tươi đẹp. |
Đến năm 2050, Phú Yên có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước. Tỉnh Phú Yên trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc; trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng của Phú Yên đồng bộ, hiện đại. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả.
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, toàn tỉnh Phú Yên sẽ có 18 đô thị, gồm một đô thị loại I (TP. Tuy Hòa); một đô thị loại II (TP. Sông Cầu); một đô thị loại III (thị xã Đông Hòa); 6 đô thị loại IV (Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa); 9 đô thị loại V (Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê - Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông, Phong Niên). Trong đó, đô thị Tuy Hòa sẽ là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp toàn tỉnh; đô thị Sông Cầu là trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, là thành phố du lịch của vùng.