Cần tận dụng cơ chế đặc biệt của Trung ương
Sáng 2/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà. |
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 10,35%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,09%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,69%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 113.901 tỷ đồng (tăng 19,7%). Tỉnh đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách lưu trú, đạt doanh thu hơn 31.778 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 18.012 tỷ đồng (vượt 16,6% dự toán) và tăng 9,2% so với năm 2022. Năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100.865,7 tỷ đồng.
Trong thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết phân bổ nguồn kinh phí bổ sung tăng định mức phân bổ chi cơ quan, quản lý Nhà nước, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội bình quân từ 31 triệu đồng/biên chế/năm tăng lên 45 triệu đồng/biên chế/năm (tăng 14 triệu đồng/biên chế/năm so với năm 2022). Bên cạnh đó, bố trí nguồn để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hòa (ảnh phải) phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết, khi Trung ương dành các nghị quyết cho Khánh Hòa đã tạo được tầm nhìn dài hạn cho địa phương, tạo niềm tin cho nhân dân và nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn (đứng thứ 31 trong các tỉnh); thời gian để thực hiện các nghị quyết của Trung ương còn rất ngắn. Kinh tế của tỉnh chủ yếu phát triển du lịch, lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Vì thế, ông Ninh mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để tăng thêm chỉ tiêu đất công nghiệp nhằm thu hút đầu tư và cho phép thực hiện con đường cao tốc để thông thương với Đà Lạt. Đối với nuôi biển công nghệ cao, tỉnh mong muốn có gói tín dụng riêng cho đề án nuôi biển.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: “Chính phủ đánh giá cao về định hướng phát triển đồng bộ của tỉnh. Trong đó, các quy hoạch đã được tỉnh làm hết sức bài bản. Khánh Hòa đã chuẩn bị cho mình những bước đi trong tương lai vì thế dư địa và tiềm năng để phát triển là rất lớn. Để kinh tế có thể phát triển hơn nữa, tỉnh cần triển khai, tận dụng ngay các cơ chế mà Trung ương dành cho Khánh Hòa; gia tăng cơ sở hạ tầng cho công nghiệp phát triển, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Khánh Hòa tận dụng cơ chế đặc biệt của Trung ương. |
Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong năm 2023, Khánh Hòa đã đạt nhiều chỉ tiêu hết sức quan trọng, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Khánh Hòa là một trong ít các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đầu nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh (8,15%, mục tiêu là 7,1%). Tỉnh đã quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế chính sách, đây là bài học của sự quyết tâm và cách làm, vai trò của người đứng đầu; nỗ lực cố gắng rất lớn của lãnh đạo tỉnh. Trong khó khăn chung của cả nước, Khánh Hòa còn có những khó khăn riêng nhưng tỉnh đã vượt qua được giai đoạn này. Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh tiếp tục quán triệt và xác định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng… của mình trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ ra biển Đông.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh nỗ lực cố gắng sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Khánh Hòa phải tăng tốc thực hiện các mục tiêu không chỉ đến năm 2025 mà phải hướng đến 2030; tăng trưởng kinh tế phải duy trì ở hai con số; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thực hiện nhanh, sớm các tuyến cao tốc, hạ tầng nghề cá. Đến năm 2050, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước (ảnh: TTXVN). |
“Chưa bao giờ thể chế pháp lý, nguồn lực được dành cho Khánh Hòa nhiều như vậy. Tỉnh cần thực hiện các mục tiêu phát triển bằng những chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Đối với các vùng ven biển, phải phát triển theo hướng đột phá; vùng đồng bằng và vùng núi, cần phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, khi xây dựng đề án nông thôn mới cho Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, phải gắn liền với định hướng trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Chính phủ cần tháo gỡ về chỉ tiêu đất công nghiệp, tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa phát triển. Muốn cá to phải có ao sâu, có đại bàng phải làm tổ lớn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.