Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển Phú Yên qua 410 năm. Vào cuối thế kỷ 16 (mùa Xuân năm 1597), những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh-Nghệ -Thuận-Quảng theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, sinh cơ lập nghiệp, với ý chí và sức mạnh từ sự đoàn kết các thế hệ người Việt, người Chăm, người Ê Ðê và người Ba Na chung lòng cùng nhau lao động sản xuất, chiến đấu.
Đầu thế kỷ 17, vùng đất này đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc là cơ sở để triều đình thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611.
Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên đọc diễn văn ôn lại quá trình hình thành tỉnh Phú Yên. Ảnh C.H |
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã lập nhiều chiến công hiển hách, kỳ tích anh hùng. Đó là phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12/1960; giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ tháng 10/1961; chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến thắng Đường 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975…
Phú Yên hôm nay đang từng ngày đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Đến nay, Phú Yên hiện có 58/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh đạt 52,9 triệu đồng (tăng gấp 1,6 lần năm 2015) và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%.
Đại diện Bộ VH-TT&DL trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa cho tỉnh Phú Yên. Ảnh C.H |
Nhân dịp này, Phú Yên đã vinh dự đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành đá đĩa, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng vào ngày 31/12/2020. Gành Đá Đĩa là kiệt tác của thiên nhiên độc đáo “độc nhất vô nhị” ở nước ta, có điều kiện địa chất mang tính đặc thù với loại đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, hình lục giác phân bố trên một diện tích tương đối rộng bên bờ biển rộng 50m, dài 200m.
Du khách tham quan danh thắng Gành Đá Đĩa. Ảnh Kim Anh |
Theo các chuyên gia địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có một vài địa điểm cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi... Tuy nhiên, bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở Gành Đá Đĩa. Bên cạnh giá trị về mặt địa chất và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển.