“Chỉ có tác phẩm hay và dở, không có tác phẩm cũ và mới”
Vì sao nhạc sĩ lại chọn cái tên “Tháng Ba cho em, cơn mưa chiều nắng nhạt” cho 3 đêm nhạc sắp tới tại Hà Nội?
Có lẽ không có cái nắng nào trong năm lại đặc biệt như tháng Ba, tháng của sự giao hòa cảm xúc, cái nắng chưa quá gay gắt của mùa hè mà vẫn còn chút dịu dàng, tươi mát của mùa xuân… Nắng nhạt như vẻ đẹp chín muồi của người phụ nữ, không rực rỡ, phô trương mà nhẹ nhàng, gợi mở…vẻ đẹp ấy mang lại cho người ta sự khát khao, những cơn mơ đầy xúc cảm. đây cũng chính là chủ đề một ca khúc còn đang dang dở của tôi…
Cái tháng gần kết thúc mùa xuân, chông chênh giữa mùa xuân và mùa hè cũng gợi nhớ đến cơn mơ mình đã già rồi. Mọi thứ cũng vị tha hơn, không còn hờn dỗi, trách móc. “Nắng nhạt” cũng kèm chút tiếc nuối, cái cảm giác giống như một năm đi qua, người ta hân hoan đón chào năm mới. Còn tôi, trong cái hân hoan ấy còn xót xa về những năm tháng đi qua…
Nhạc sĩ Phú Quang.
Trừ ca khúc “Bài ca không màu”, “Mai đành xa sông Thương…thật thương”, còn lại hầu hết các ca khúc trong chương trình vẫn là những ca khúc quen thuộc với khán giả. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, Phú Quang cứ “xài đi xài lại” các ca khúc cũ?
Khi khán giả vẫn vỗ tay nhiệt liệt, thì tác phẩm được yêu quý và vẫn tồn tại. Chỉ có tác phẩm hay và dở, không có tác phẩm cũ và mới. Quan niệm ấy là ngớ ngẩn. Mới để làm gì, lạ để làm gì? Nếu muốn lạ tôi mặc vest, thắt cà vạt cẩn thận còn ở dưới tôi mặc cái quần xà lỏn hoặc quần sịp đi ra đường thì lạ nhất Hà Nội chẳng ai lạ bằng. Hoặc tôi vẽ lên mặt nét xanh đỏ là lạ ngay. Mới lạ đối với tôi chỉ được cộng điểm nếu tác phẩm hay chứ không hay thì không được điểm nào.
Ngoài hai sáng tác mới nhất: Bài ca không màu và Mai đành xa sông Thương…thật thương, tôi cũng làm mới ca khúc khi để những gương mặt như Hồng Nhung, Ngọc Anh (3A), Quang Dũng… sẽ hát những ca khúc “tủ” của nhau. Ví dụ, ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, lần này sẽ do Tấn Minh thể hiện.
Cũng có ý kiến khác rằng, ca khúc của Phú Quang hay là nhờ chọn lựa, phổ nhạc trên những tác phẩm thơ hay?
Phải nói thẳng điều này, các nhà thơ có giận thì cũng nói. Có rất nhiều ca khúc, tôi phổ chỉ có 8 chữ hoặc 16 chữ thôi, còn lời của mình. Tôi cũng phải khoe khéo với bạn là ngày xưa tôi từng tốt nghiệp tổng hợp văn. Cũng xin lỗi các nhà thơ chứ, ít nhà thơ tôi phổ bài hoàn chỉnh. Trong 400 tác phẩm có đến mấy trăm tác phẩm tôi chỉ mượn mỗi câu thơ.
Ví dụ, “vội vã trở về vội vã ra đi”, chỉ duy nhất câu đó tôi lấy lại trong ca khúc Hà Nội ngày trở về, còn tất cả là lời của tôi. Phải công nhận một cách sòng phẳng là câu đó là câu hay nhất trong ca khúc. Tuy nhiên, nếu chỉ có một câu đó thì không thể làm nên một ca khúc như thế.
Hoặc trong 300 câu thơ của Phan Vũ, tôi trộn lại còn 4 câu ở bài Em ơi Hà Nội phố. Ngay thơ của Hồng Thanh Quang, tôi chỉ lấy mỗi câu “người đàn bà đầu tiên, người đàn bà sau cuối” để sáng tác Mẹ, còn tất cả lời của tôi. Nhưng khi giới thiệu, tôi đều giới thiệu lời thơ Hồng Thanh Quang. Đấy là sự chân thành. Nhưng thật lòng, tôi phải cảm ơn nếu không có câu đó, chưa chắc tôi viết được ca khúc Mẹ.
Có nhiều nhà thơ nói với tôi: ông cứ thêm được câu nào thì càng hay, ông cứ thêm vào không phải phân vân gì cả. Trừ bài Khúc mùa thu của Hồng Thanh Quang là tôi để nguyên, một bài của nhà thơ Dương Tường, Tình khúc 24 là để nguyên, chứ còn những bài khác hầu hết là tôi thêm lời rất nhiều…
Cũng nói thêm, trên thế giới, nhạc sĩ chỉ làm nhạc, lời là lời nhà thơ. Ở mình, người ta lại rất tự hào kiểu như ông đạo diễn vỗ ngực khoe mình vừa là đạo diễn, vừa đóng phim, vừa viết kịch bản vừa dựng bối cảnh…Tôi cho rằng, đấy là sự nghiệp dư!
“Ở Lê Khanh toát lên vẻ đẹp khiến đàn ông phải tôn trọng”
Một điều khiến không ít người tò mò rằng, vì sao Phú Quang liên tiếp mời NSND Lê Khanh dẫn các chương trình của mình, trong khi các chương trình khác thường chọn những Á hậu, “chân dài” trẻ trung, xinh đẹp để “hút” khán giả?
Tôi không cần Á hậu hay “chân dài” cũng như danh hiệu này khác, tôi chỉ cần người có văn hóa. Tôi cần người dẫn chương trình có chất, có sự lắng đọng, sâu sắc và Lê Khanh hợp với âm nhạc của tôi. Lê Khanh giờ không còn trẻ, sau này có thể cô ấy già đi nhưng tôi sẽ vẫn mời.
Ngoài việc Lê Khanh phù hợp với các chương trình âm nhạc của Phú Quang, hỏi thật nhạc sĩ còn bị hấp dẫn điều gì trước nữ nghệ sĩ này? Ông từng rung động trước vẻ đẹp của Lê Khanh hay không?
Lê Khanh là người phụ nữ có khí chất gần gũi với người Hà Nội gốc, nhẹ nhàng và kiêu sa ngầm. Người phụ nữ Hà Nội nhẹ nhàng, thùy mị, dễ thương nhưng thẳm sâu bên trong là nét kiêu hãnh chứ không thuộc tuýp người bốc lửa, lúc nào cũng khoe vội cái mông, cái đùi mình ra…
Tôi đã từng rung động, nhưng đó là vẻ đẹp tinh thần. Ngày xưa, tôi viết được ca khúc Điều giản dị là vì cái vẻ trong trắng, ngây thơ, dễ thương của vai diễn Lê Khanh trong phim Có một tình yêu như thế của đạo diễn Lê Hữu Lương.
Trong phim, Lê Khanh có cảnh diễn cô gái đi qua rừng bạch đàn ở Vĩnh Phú, tôi thấy những giọt nắng cứ nhảy nhót trên áo cô ấy. Trước, tôi từ chối không viết ca khúc cho phim đó nhưng khi nhìn thấy hình ảnh này, tôi có nói với đạo diễn rằng mình có thể viết vì hình ảnh kia khiến mình rung động.
Nhưng đó là tình yêu nghệ thuật chứ không phải tình yêu trai gái. Sau này, Lê Khanh lấy Phạm Việt Thanh mà Thanh là bạn của tôi thì lại càng không thể có tình yêu trai gái. Tôi trông thế này thôi nhưng là người cổ điển, rất tối kỵ việc xâm phạm “con thầy, vợ bạn…”. Những ai xâm phạm điều này, tôi cực ghét!
Vậy, vẻ đẹp của Lê Khanh có giống với hình mẫu các bóng hồng trong âm nhạc của Phú Quang?
Vẻ đẹp của Lê Khanh không phải bóng hình để mình ngơ ngẩn, nhưng ở cô ấy có vẻ rất dễ thương.
Nhiều người phụ nữ hay nhầm, họ thường tự hào rằng mình có rất nhiều anh này anh kia. Có lần tôi nói hơi phũ rằng, cô gái điếm có tự hào không khi có đến cả nghìn thằng đàn ông đến với mình?
Đối với tôi, vẻ đáng yêu nhất ở người phụ nữ là không ai dám động chạm, không dám đến, dù yêu thật nhưng…không dám ngỏ lời. Ở Lê Khanh toát lên vẻ đẹp nhã nhặn, dễ thương nhưng thẳm sâu bên trong là nét ý nhị, kiêu hãnh ngầm. Cô ấy biết cách tạo cho mình vẻ đẹp khiến đàn ông phải tôn trọng. Có được người phụ nữ như thế thì đến ông chồng khó tính như Phạm Việt Thanh cũng phải hài lòng.
Rất nhiều bóng hồng từ đời thực là nguồn cảm hứng sáng tác và đi vào các tình khúc của Trịnh Công Sơn. Và những bóng hồng đó được khán giả ưu ái gọi “Diễm của Trịnh”. Còn “Diễm của Phú Quang” thì sao?
Chắc chắn không phải Lê Khanh rồi. Nhưng có một người cứ ám ảnh tôi rất lâu, xuất hiện trong những tác phẩm của tôi trong nhiều năm. Mãi đến khi mọi chuyện ngã ngũ rồi mới thôi. Ngày xưa tôi viết Chuyện bình thường, 13 Chuyện bình thường vì cô ấy. Đúng 13 năm sau, cô đi lấy chồng, tôi viết Chuyện bình thường thứ 13 và không bao giờ viết nữa.
Đấy là một bóng hồng rất khó tính, mình từng nghe một tay nghệ sĩ bảo: không có cô gái nào em không dám bờm xơm cả nhưng với cô gái này em không dám. Không phải vì sợ anh mà là vì em quá trân trọng cô ấy. Đấy có thể coi là một hình mẫu lý tưởng…
Đó là người yêu cũ của tôi, cũng lâu lắm rồi. Chúng tôi quen nhau, làm bạn và có lẽ tôi là bạn trai đầu tiên của cô ấy. Cô ấy không phải là cô gái đầu tiên của tôi nhưng tôi là bạn trai đầu tiên của cô ấy. Tình cảm giữa chúng tôi rất trong sáng, chưa một lần hôn, chỉ một lần xúc động mà chạm môi cũng khiến cô xấu hổ mất nửa tháng…
Vì sao hai người không đến được với nhau?
Tôi đã từng nói, đừng nghĩ tình yêu chia ly là do một người có lỗi. Có thể lỗi ở cả hai người, cũng có thể không bởi tại ai mà chỉ do hoàn cảnh, số phận xô đẩy. Đừng buồn bã vì những chia xa… và Đâu phải bởi mùa thu đã ra đời như thế. Giờ người đó vẫn đang định cư ở nước ngoài, là một việt kiều yêu nước…
Xin cảm ơn nhạc sĩ!