Theo Bác sĩ Phan Văn Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM: Phù có hai dạng là phù cứng và phù mềm.
Phù cứng thường gặp trong các bệnh có liên quan đến tuyến giáp. Chỉ những bác sĩ chuyên khoa mới xác định được phù cứng.
Phù mềm là tình trạng thoát dịch từ trong lòng mạch ra ngoài khoảng bào. Phù mềm dễ xác định hơn phù cứng bởi chỉ cần dùng tay ấn vào da trên một nền cứng, sau khi rút tay ra thấy có dấu lõm.
Có nhiều nguyên nhân gây ra phù. Phù trong lòng mạch: trong lòng mạch có hai loại áp suất là áp suất thẩm thấu và áp suất keo để giữ cho lòng mạch luôn có một lượng thể tích đảm bảo huyết áp của cơ thể, nuôi dưỡng các cơ quan từ bộ não đến các cơ quan nhỏ ở da. Khi giảm các chất tạo áp lực keo, ví dụ giảm protein, giảm albumin trong lòng mạch (thường gặp trong trường hợp xơ gan) sẽ không thể giữ được lượng nước. Do đó, chúng thoát ra bên ngoài lòng mạch, gây hiện tượng phù.
Phù có nguyên nhân trong lòng mạch rất có thể là biểu hiện của bệnh xơ gan. Vì gan là cơ quan duy nhất sản xuất ra albumin. Bệnh nhân có thể bị phù toàn thân, nhưng thường bị phù hai bàn chân, khiến cơ thể gặp phải tình trạng “dưới thì mập, trên thì gầy”.
Phù cũng có thể là biểu hiện của những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng. Khi bị suy dinh dưỡng, bệnh nhân không đảm bảo được lượng protein trong cơ thể, dẫn tới không đảm bảo được áp lực keo để giữ nước trong lòng mạch, khiến nước thoát ra ngoài.
Phù trong lòng mạch cũng có thể xuất phát từ việc cơ thể giảm các yếu tố vi lượng trong lòng mạch, chủ yếu là natri.
Bên cạnh nguyên nhân trong lòng mạch, phù còn có nguyên nhân gián tiếp khác.Phù do bệnh suy tim: Suy tim có hai triệu chứng điển hình là khó thở và ứ nước. Tùy theo mức độ của suy tim. Suy tim càng nặng tình trạng ứ nước càng nhiều. Đây là triệu chứng khá nguy hiểm, vì vậy khi phù do suy tim, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị cẩn thận chứ không thể tự điều trị tại nhà.
Phù do suy gan: Bên cạnh nguyên nhân do xơ gan do giảm albumin, một số bệnh lý khác của gan cũng có thể gây phù như ung thư gan, độc gan, bệnh nặng gây ra suy gan.
Phù do các bệnh lý về thận: Thận là cơ quan điều hòa nội mô, thải ra các chất độc sau khi cơ thể chuyển hóa các tế bào. Đồng thời, thận có tác dụng điều tiết lượng nước của cơ thể. Nếu thận bị bệnh, không chỉ ảnh hưởng đến sự đào thải các chất độc, còn khiến lượng nước bị dồn ứ, gây rối loạn điện giải, xuất hiện tình trạng phù.
Mặc dù phù là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến gan, thận, tim, suy dinh dưỡng,… Nhưng khi mới bắt đầu bị phù, bệnh nhân thường ít được để ý đến vì chưa ảnh hưởng đến các yếu tố sinh tồn. Đối với những bất thường xảy ra trên cơ thể như cơ thể mập lên bất thường, ấn vào vùng da của mắt cá chân bên trong thấy lõm vào, sau đó ít phút lại phục hồi lại, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xác định bệnh sớm.