Triều Tiên tuyên bố trở thành quốc gia hạt nhân
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa được quân đội nước này phóng sáng sớm 29/11 là ICBM Hwasong-15, có khả năng mang theo một “đầu đạn nặng cực lớn” và có thể “nhắm trúng toàn bộ các vị trí trên lãnh thổ Mỹ”.
Hwasong-15 được đánh giá là có nhiều tiến bộ so với Hwasong-14 - loại tên lửa mà Triều Tiên từng thử nghiệm hồi tháng Bảy. KCNA gọi Hwasong-15 là "ICBM mạnh nhất, đáp ứng mục tiêu hoàn thành chương trình phát triển tên lửa".
"Tên lửa đã nhắm trúng mục tiêu giả định tại vùng biển mở" và "không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh các nước láng giềng", KCNA khẳng định.
Sau khi giám sát quá trình phóng tên lửa, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc phát triển “lực lượng hạt nhân nhà nước”, đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân.
Dù vậy, Triều Tiên cũng khẳng định vũ khí hạt nhân của nước này được phát triển chỉ nhằm "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự hăm dọa hạt nhân của Mỹ, nhằm đảm bảo cuộc sống hòa bình của người dân", do đó sẽ "không gây nguy hiểm cho bất cứ quốc gia nào khác, miễn là lợi ích của Bình Nhưỡng không bị xâm phạm."
“Là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm và yêu hòa bình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phục vụ mục đích cao cả của công cuộc bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”, theo KCNA.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kí quyết định phê duyệt việc phóng tên lửa Hwasong-15. Ảnh: Yonhap
Tên lửa mới nhất của Triều Tiên bay khoảng 960km trong 53 phút và đạt tới độ cao 4.500km, theo quân đội Hàn Quốc. Đây được coi là tên lửa bay xa nhất của Triều Tiên từ trước đến nay. Các chuyên gia cho rằng nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, Hwasong-15 có thể sẽ bay được quãng đường lên tới 13.000km.
Tuy nhiên, tên lửa Triều Tiên dường như vẫn còn nhiều thiếu sót trong công nghệ tái nhập khí quyển, một yếu tố quan trọng đối với việc phát triển ICBM, theo Yonhap.
Giới truyền thông Triều Tiên không đề cập đến việc đầu đạn tên lửa mới có khả năng chịu được nhiệt độ và áp lực cực lớn khi tái nhập khí quyển hay không.
Chang Young-keun – chuyên gia tên lửa thuộc Đại học Hàng không Hàn Quốc cho biết để thử nghiệm công nghệ tái nhập khí quyển, Triều Tiên cần phóng tên lửa theo quỹ đạo tiêu chuẩn. “Và Bình Nhưỡng có lẽ đã không thành công trong việc làm chủ công nghệ ấy”, ông Chang nói.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên dường như đã quá vội vàng trong việc tuyên bố hoàn thành phát triển chương trình hạt nhân. Việc đưa ra một tuyên bố “mơ hồ, không rõ ràng” vào thời điểm này dường như là hành động có chủ đích của Bình Nhưỡng, nhằm tạo bước đột phá trong cuộc xung đột hiện tại. Động thái này sẽ gia tăng đáng kể vị thế của Triều Tiên trong bất cứ cuộc thương lượng nào với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Cho Sung-ryul, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) cho biết Chủ tịch Kim của Triều Tiên có thể đưa ra một thông báo chính thức vào năm mới. "Bình Nhưỡng có thể đề nghị đàm phán với Mỹ hoặc Hàn Quốc”, theo ông Cho.
Đồng quan điểm, chuyên gia Hong Min thuộc Học viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đang cảm thấy “mệt mỏi” trong việc đối phó với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Do đó, Bình Nhưỡng có thể sẽ tìm cách xây dựng lòng tin và giảm bớt căng thẳng quân sự nhân dịp Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào tháng 2/2018”, ông Hong nói.