Phòng đại dịch COVID-19: Thêm 6 ca mắc mới, Y tế tư nhân còn lơ là

Tối 24/12, nhiều người đi chơi Giáng sinh chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Tối 24/12, nhiều người đi chơi Giáng sinh chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Mùa đông đã đến, hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và khu vực, xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, do đó, tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam phát biểu ngày 25/1

Nghiên cứu biến thể của SARS-CoV-2

Chiều 25/12, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, ngành y tế chưa có kết quả xét nghiệm phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 từ những ca bệnh là người nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam. Ban Chỉ đạo yêu cầu các viện nghiên cứu khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân COVID-19 gần đây và kết hợp đối tác bên ngoài để làm rõ biến thể mới của SARS-CoV-2 đã vào Việt Nam hay chưa.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến thể mới của virus vừa phát hiện tại Anh khiến nhiều nước châu Âu, một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong… đã cấm các chuyến bay đến từ Anh. Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nói rằng, biến thể mới làm tăng khả năng lây lan tới 70%. “Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... Nhưng chưa có dấu hiệu về biến thể mới tồn tại lâu hơn, gây triệu chứng bệnh nặng hơn”, ông Đức thông tin.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên giới trên bộ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. “Chúng ta phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người dân ở vùng biên và kiên quyết xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép, đặc biệt đối với các đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đối với người nhập cảnh hợp pháp, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh công tác cách ly. Tất cả các đối tượng là nhà ngoại giao, công vụ, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài và người Việt Nam về nước trên các chuyến bay giải cứu đều phải có phương án cách ly trước khi nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh, những người này phải tuân thủ phương án cách ly và chỉ thay đổi địa điểm, phương án cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Không để trường hợp sau khi nhập cảnh lại yêu cầu thay đổi, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trong nước khi thời gian tới diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội đón năm mới, hoạt động văn hoá, tôn giáo dịp đầu năm.

Y tế tư nhân còn lơ là phòng dịch

Hiện nay có những dấu hiệu chủ quan, chậm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở các cơ sở y tế tuyến dưới, phòng khám tư nhân, trạm y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, 100% bệnh viện đã tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch, nhưng đối với phòng khám tư nhân, y tế cơ sở, tỷ lệ này chưa tới 27%. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phát hiện của các cơ sở y tế để phát hiện sớm ca nhiễm, khoanh vùng, dập dịch nhanh, gọn.

“Sau một thời gian dài an toàn không có ca nhiễm cộng đồng thì dễ xuất hiện tâm lý nơi lỏng, chủ quan. Vì vậy, trong nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất là các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức. Từ lực lượng chuyên trách phòng chống dịch đến toàn thể hệ thống trong cả nước, các doanh nghiệp và người dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, khuyến nghị của ngành y tế. Cả xã hội cùng sẵn sàng chống dịch. Chúng ta quyết tâm giữ thành quả chống dịch để nhân dân đón tết an toàn, ấm cúng, vui tươi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Thêm 6 ca mắc COVID-19

Bộ Y tế cho biết, ngày 25/12 ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, được cách ly ngay tại Trà Vinh, Hà Nội và Hưng Yên, trong đó có 2 ca từ Anh tới sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN50. Cùng ngày, có 22 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca đã được điều trị khỏi lên 1.303.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.