Phòng chống virus corona: Giám sát chặt tại sân bay Tân Sơn Nhất

Khu vực cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
TP - Sáng 30/1, Sở Y tế TPHCM triệu tập cuộc họp yêu cầu tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch corona virus đang hoành hành ở Trung Quốc và lây sang nhiều nước.

Chủ trì cuộc họp gồm có Ban Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật, các chuyên gia trong lĩnh vực dự phòng. Nhận định tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc diễn tiến nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng, trong đó, TPHCM là nơi đến của nhiều khách du lịch Trung Quốc, quán triệt Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của ngành Y tế đã thống nhất một số nội dung cấp bách cần được triển khai nghiêm túc.

Về hoạt động giám sát tại sân bay Tân Sơn Nhất, yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, thực hiện tờ khai y tế đối với các hành khách đến từ vùng dịch. Nếu có hành khách có triệu chứng rõ rệt, chuyển ngay về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị, xét nghiệm theo quy trình Bộ Y tế hướng dẫn.

Nếu có các triệu chứng chưa rõ ràng, hướng dẫn khách đến khách sạn hoặc nơi đăng ký cư trú, đồng thời báo cơ quan y tế địa phương đến tổ chức giám sát trong vòng 14 ngày tiếp theo. Đối với công tác phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ tại sân bay, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, thông tin, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt, tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt hành khách quốc tế nhập cảnh. Đối với hành khách đến từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), bố trí cổng đi riêng và kiểm tra sức khỏe chặt chẽ.

Sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân

Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh hô hấp cấp như ho, khó thở, mệt mỏi mời vào khu vực khám lâm sàng, điều tra dịch tễ. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, sẽ cách ly, đưa đến các bệnh viện do Sở Y tế TPHCM chỉ đạo (gồm BV Bệnh Nhiệt đới (người lớn và trẻ em), BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 và BV Nhi đồng Thành phố (trẻ em) bằng xe cấp cứu 115 và báo cáo danh sách người tiếp xúc gần.

BV sẽ lấy mẫu bệnh phẩm và đưa đến Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm đến khi có kết quả. Đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập, khi tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ thì cần phải lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định, và gửi về Viện Pasteur để xét nghiệm, đối với những ca nghi ngờ, cần phải cách ly điều trị trong thời gian chờ kết quả. Những trường hợp xác định dương tính với corona thì phải chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc 1 trong 3 bệnh viện Nhi đồng (đối với trẻ em).

Về việc thành lập Đội cơ động phản ứng nhanh, các BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng 1 mỗi bệnh viện thành lập 2 Đội cơ động phản ứng nhanh (theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh), các bệnh viện gửi danh sách các Đội cơ động về Sở Y tế để tổng hợp và điều phối theo chỉ đạo của Sở Y tế và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham mưu thành lập 2 Đội phản ứng nhanh cấp thành phố, chỉ đạo 24 quận, huyện thành lập 24 Đội phản ứng nhanh cấp quận, huyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn công tác sàng lọc, điều trị, chống nhiễm khuẩn cho tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn cho 24 trung tâm y tế quận, huyện về hoạt động giám sát, truyền thông, hoạt động cách ly tại cộng đồng.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, Viện Paseur đã thành lập 6 đội cơ động sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ cho các địa phương 20 tỉnh thành khu vực phía Nam trong công tác giám sát, theo dõi chặt các trường hợp gần với các bệnh nhân cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết, Trung tâm đã cấp hóa chất, trang thiết bị cho các BV, các đội cơ động chống dịch gồm: Chloramin B 25%, khẩu trang y tế, khẩu trang N95, trang phục chống dịch, chai dung dịch sát khuẩn nhanh bàn tay. Các trung tâm y tế quận, huyện tham gia hệ thống giám sát cộng đồng với trường hợp đi về từ vùng dịch, phát hiện nhanh các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ, đưa về BV cách ly, điều trị.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, BV đã sẵn sàng đối phó dịch bệnh viêm phổi cấp; bước đầu đã chuẩn bị đủ nhân lực, thiết bị để xử lý các ca nghi nhiễm virus nCoV theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đề nghị, các cơ sở y tế cần phải lập danh sách những người về từ vùng dịch để gửi cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để theo dõi giám sát dù có bệnh hay không; tăng cường công tác truyền thông giám sát tại cửa khẩu với virus corona; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố rà soát sẵn sàng các cơ sở cách ly, đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị vật tư phục vụ khám chữa bệnh, trang bị phòng hộ cá nhân để xử lý những trường hợp nghi ngờ.

2 bệnh nhân Trung Quốc hồi phục tốt

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, tính đến 7 giờ sáng 30/1, bệnh nhân Li Zichao (1992) đã tỉnh, tự thở, không sốt, không ho, ăn uống sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân Li Zing (sinh năm 1954) tỉnh, không sốt, ho ít (giảm so với ngày trước), tự sinh hoạt (thỉnh thoảng cần được hỗ trợ), ăn uống ngon miệng hơn. Theo dõi tràn dịch màng phổi trái, không tăng thêm so với kết quả X-Quang ngày 27/1. Chức năng gan, thận, men tim bình thường. Vẫn cho kết quả dương tính với corona virus.

Về biện pháp phòng ngừa, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết: giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trang bị khẩu trang khi ra đường, không dùng chung đồ sinh hoạt… Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu ho, sốt. Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau nhức cơ thể thì phải đến cơ sở gần nhất để thăm khám. Cách ly tuyệt đối với người nhà và theo dõi sức khỏe để tránh lây lan trong cộng đồng.


Sử dụng khẩu trang nào để ngăn nhiễm virus?
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope, California (Mỹ), virus có cấu trúc rất đơn giản và có kích thước rất nhỏ, trung bình khoảng 100 nanô mét. Với kích thước này, virus lọt qua khẩu trang N95 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mục đích thực sự của khẩu trang trong việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm bệnh là ngăn ngừa các hạt nước (droplet) có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho. Nếu khả năng kinh tế và tình hình thực tế không cho phép thì việc sử dụng khẩu trang y tế đúng cách, tức là che hết nửa mặt từ trên mũi đến cằm và chỉ sử dụng khẩu trang y tế một lần, nếu có thể nên sử dụng kèm kính mắt thì đã có thể giữ được an toàn”.

Yến Nhi



MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.