Phòng chống dịch MERS: Sở Y tế TPHCM lơ là?

Đến cuối giờ chiều 5/6, phóng viên nhiều báo đài vẫn chưa có thẻ tác nghiệp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quốc Ngọc
Đến cuối giờ chiều 5/6, phóng viên nhiều báo đài vẫn chưa có thẻ tác nghiệp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Nhiều cán bộ trong đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu vào làm việc tại TPHCM ngày 4/6 đã hết sức ngạc nhiên khi không có lãnh đạo nào của Sở Y tế thành phố tham dự.  

Đây là buổi làm việc quan trọng nhằm chỉ đạo, kiểm tra công tác thu dung, điều trị MERS-CoV tại TPHCM nói riêng, cả khu vực phía Nam nói chung. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, nguy cơ MERS-CoV thâm nhập vào TPHCM là rất lớn. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 2.000 khách đến TPHCM từ Hàn Quốc, nơi dịch đang diễn ra, làm 4 người chết.

Trong chiến dịch giám sát MERS-CoV lần này, các đơn vị y tế ở TPHCM có trách nhiệm nặng nề trong việc giám sát, điều trị cho bệnh nhân trong tình huống có ca nghi ngờ hoặc có dịch xảy ra, đồng thời, phải hỗ trợ, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh thành lân cận. Thế nhưng, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chỉ cử một người đến dự buổi làm việc. Đó là ông Vương Anh Tài - Phó phòng Nghiệp vụ y.

Chật vật chuyện tuyên truyền

Ngày 5/6, hàng chục cơ quan thông tấn, báo chí tại TPHCM đã hết sức vất vả tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đăng ký cho phóng viên của mình có thẻ tác nghiệp tại khu vực nhà ga quốc tế (ga đến - khu 5C) trong buổi giám sát của Sở Y tế TPHCM sáng 6/6.

Theo quy định, để có được thẻ tác nghiệp, các cơ quan báo đài phải làm công văn gửi cho 3 đơn vị, gồm Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đồn công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Cảng vụ Hàng không miền Nam. Tại mỗi “cửa”, cánh báo chí lại mất nhiều thời gian nộp công văn và chờ công văn được phê duyệt.

Trong khi đó, theo bộ phận an ninh của Cảng vụ Hàng không miền Nam, việc này có thể đã được giải quyết nhanh chóng bằng cách Sở Y tế TPHCM làm cơ quan đầu mối lập một danh sách các báo đài với tên họ và số CMND của phóng viên gửi qua, rồi cảng vụ cấp thẻ theo danh sách. Đây là cách làm được chính sở này áp dụng trong đợt giám sát dịch Ebola vào tháng 8 năm ngoái và các dịch bệnh nguy hiểm trước đó. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao lần này Sở Y tế TPHCM lại không làm như thế mà “bắt” báo đài phải “tự lo”?

Trao đổi với phóng viên vào cuối giờ chiều 5/6, khi mà còn khoảng 20 cơ quan báo đài chưa đăng ký được thẻ tác nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, mới cho biết, vừa chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ y lập danh sách phóng viên gửi Cảng vụ Hàng không miền Nam (?).

Phóng viên các báo đều cho rằng, nếu chỉ vì thủ tục hành chính này mà các báo đài không thể tác nghiệp trong buổi giám sát sáng 6/6, thì rõ ràng Sở Y tế TPHCM đã xem thường việc tuyên truyền phòng chống dịch MERS-CoV. Điều “lạ lùng”, an ninh cảng vụ cho biết, trong danh sách do Sở Y tế gửi sang đợt này, ngoài các chuyên viên ngành y tế, chỉ có một báo ở TPHCM (?).

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở ngành và UBND các quận, huyện thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan MERS-CoV. 

Cảnh báo lao động Việt ở vùng dịch MERS-CoV

Chiều 5/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, ngày 4/6, Cục có công văn gửi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động về dịch MERS-CoV. Công văn yêu cầu các DN phải thông báo cho lao động Việt Nam ở các nước có dịch, gần vùng dịch biết về nguy cơ dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh phù hợp. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo tới đại sứ quán Việt Nam ở các nước có dịch MERS, yêu cầu các đại sứ quán thông báo cho công dân, người lao động Việt Nam các biện pháp phòng dịch…

Với người lao động về nước, theo ông Quỳnh, việc kiểm soát đã nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ về kiểm soát những khách từ vùng dịch vào Việt Nam. “Hiện chúng ta mới dừng ở mức cảnh báo và hướng dẫn phòng dịch, còn việc hỗ trợ người bị nhiễm bệnh ra sao, hay biện pháp sơ tán lao động khỏi vùng dịch chưa được tính tới”, ông Quỳnh nói.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hơn 80.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở các quốc gia vùng dịch MERS. Trong đó, lao động Việt nhiều nhất ở Hàn Quốc với hơn 60.000 người, ở Ảrập Xêút với hơn 20.000 người.

Lê Hữu Việt

Thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng MERS-CoV

Ngày 5/6, Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại các khu vực: Miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV có nhiệm vụ: Thường trực công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn phụ trách; Sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh MERS-CoV xảy ra trên địa bàn. Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV khu vực miền Bắc ngoài trách nhiệm phụ trách địa bàn khu vực miền Bắc còn có trách nhiệm đáp ứng, hỗ trợ các khu vực khác trên phạm vi toàn quốc khi có yêu cầu hoặc tình hình dịch bệnh MERS-CoV có diễn biến phức tạp. Đội trưởng các Đội phối hợp chặt chẽ với Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, cơ sở nơi có trường hợp mắc bệnh MERS-CoV xảy ra để chỉ đạo, điều phối các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn một cách hiệu quả.

Thái Hà

MỚI - NÓNG