>Nữ sinh Truyền hình thành Hoa khôi báo chí
Ước mơ MC kiêm Biên tập viên truyền hình
Đoàn Mỹ Anh NS: 23-10-1993 Quê quán: Hà Nội Lớp Truyền hình K31A1 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền Quan điểm sống: “Hãy sống như ngày mai phải chết – sống và hết mình để không bao giờ phải hối hận Sở thích: đọc sách, truyện, nghe nhạc, chụp ảnh, du lịch khám phá... Thành tích: - 12 năm học sinh xuất sắc - Giải nhất MC trường THPT Kim Liên - Giải ba MC Connect |
Trong mắt nhiều người, báo là một ngành nghề khá vất vả, nhất là đối với con gái, vậy điều gì đã thu hút Mỹ Anh đến với ngành Báo chí truyền hình? Ước mơ của Mỹ Anh trong nghề nghiệp tương lai của mình như thế nào?
Khi còn nhỏ, nhìn những cô phát thanh viên trên truyền hình, em đã ước lớn lên mình cũng sẽ được như vậy. Mơ ước ngây thơ của ngày bé cứ lớn dần rồi trở thành đam mê, quyết tâm thực hiện.
Em cảm thấy rất thích thú khi được nói và diễn thuyết trước đông người. Em cũng rất muốn được thử sức trong một môi trường năng động như Truyền hình để không ngừng đổi mới và khám phá bản thân mình.
Em mong muốn sẽ trở thành một MC kiêm Biên tập viên, Phóng viên truyền hình thành công, mang tới cho khan giả những chương trình thật hấp dẫn và bổ ích.
Giành giải nhất cuộc thi Press Beauty 2012 - Tài sắc sinh viên báo chí, Mỹ Anh có thấy cuộc sống và công việc học tập của bản thân có nhiều thay đổi? Cuộc thi này giúp ích gì cho Mỹ Anh trên con đường trở thành một phóng viên?
Bản thân em thì không có gì thay đổi nhiều lắm, vì dù thế nào thì em vẫn là một “Mỹ Anh khi chưa đăng quang”. Có chăng là cố gắng để ý hơn một chút, giữ gìn hình ảnh hơn thôi, vì dù sao bây giờ mình cũng là đại diện cho “tài sắc nữ sinh báo chí”.
Những thay đổi nho nhỏ trong cuộc sống như được nhận những lời mởi phỏng vấn, hay có nhiều người nhận ra mình hơn,.. cũng càng nhắc nhở em phải hoàn thành thật tốt vai trò Tân Miss Báo chí của mình.
Chắc chắn cuộc thi đã giúp em thêm tự tin, năng động, tích luỹ thêm kinh nghiệm để trở thành một phóng viên giỏi, và cũng mở ra cho em nhiều cơ hội trong tương lai. Chắc chắn em sẽ không bỏ lỡ những cơ hội giúp ích tích luỹ kinh nghiệm để tiến gần hơn đến ước mơ của mình.
Mỹ Anh ước mơ trở thành MC kiêm Biên tập viên, Phóng viên truyền hình thành công. |
Không phải là chuyện có nhận phong bì hay không
Là vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ bớt nóng trong dư luận và hiện nay báo chí liên tục phản ánh đó là nạn phong bì mà lâu nay báo chí đang phản ảnh trong môi trường bệnh viện, doanh nghiệp. Mỹ Anh nghĩ sao về hiện trạng này?
Em được biết, có một thực tế hiện nay tại bệnh viện, các bệnh nhân đi khám đều có tâm lí muốn được khám nhanh và điều trị tốt. Chính vì vậy họ thường chuẩn bị sẵn phong bì để biếu nhân viên y tế, và đây đã trở thành một thói quen thường lệ của người dân.
Còn đối với doanh nghiệp, nạn phong bì có thể được hiểu như sự trả ơn, trả công giữa các đối tác để công việc dược thuận lợi, suôn sẻ, ví như sau một buổi họp, một buổi gặp mặt, một lễ kí kết, thì những người tham dự thường được nhận túi quà kèm theo phong bì, hoặc họ được doanh nghiệp mời đi ăn uống,… Thậm chí, doanh nghiệp có thể tặng những phần thưởng giá trị lớn như một chuyến du lịch, một chiếc ô tô, một vài món quà hang hiệu cao cấp,…
Nếu gõ google từ khóa “nạn phong bì” sẽ thu hơn 3 triệu kết quả là những bài viết, phản ánh về tình trạng tiêu cực đưa và nhận phong bì. Là người trẻ, là một phóng viên tương lai, Mỹ Anh có suy nghĩ như thế nào?
Rõ ràng, là một nhà báo, việc đầu tiên là phải phản ánh thông tin một cách chính xác và nhanh nhạy nhất, điều đó lí giải vì sao những bài viết về tình trạng tiêu cực đưa và nhận phong bì luôn được các báo cập nhật. Điều này giúp mọi người nhìn nhận rõ hơn về thực trạng này và giúp mọi người có định hướng hành xử cho bản thân mình.
Tuy nhiên, cá nhân em nghĩ rằng, bên cạnh những bài báo phản ánh tình trạng tiêu cực, nhà báo cũng nên tìm hiểu cả mặt tích cực của vấn đề, phân tích vấn đề một cách khách quan hơn, hay đưa tin nhiều hơn về những cá nhân, tập thể gương mẫu “nói không với tiêu cực phong bì”, đó sẽ là những tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Hình ảnh một số bác sĩ bệnh viện vòi tiền bệnh nhân khá gần với hình ảnh một số chiến sĩ cảnh sát giao thông “làm luật” với tài xế. Mỹ Anh còn liên tương với hình ảnh nào trong ngành nghề nào khác? Vì sao?
Em liên tưởng ngay tới ngành giáo dục. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất nhiều đến việc chen lấn, xô đẩy, xếp hàng từ 3 – 4 giờ sáng của các bậc phụ huynh khi đi xin học cho con em mình.
Nhưng điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh không muốn chịu sự vất vả đó nên đã tận dụng mối quan hệ bằng cách chi một khoản tiền không nhỏ để sớm có được “tờ đơn xin học” cho con em mình. Bởi rõ ràng bố mẹ nào cũng mong muốn cho con mình được vào học những ngôi trường chất lượng cao.
Hoặc có lần em đã được nghe kể, tại các cơ quan chính quyền địa phương, muốn làm sang tên sổ đỏ nhanh, người dân “chỉ cần” để phong bì từ 5-10 triệu đồng là sẽ sớm có sổ đỏ trong tay. Tất cả những hiện tượng này đều xuất phát từ tâm lí của người dân: muốn “giải quyết cho nhanh gọn” công việc của mình.
Có không ít người cho rằng, phong bì là một nét văn hóa của người Việt, nó thể hiện sự biết ơn, trân trọng của người biếu tới người được nhận. Mỹ Anh nghĩ sao về điều này?
Em xin được lấy một ví dụ rất gần gũi, đó là phong tục “lì xì” trong tết cổ truyền của người Việt, rõ ràng phong bao lì xì đó thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chúc thọ của lớp người trẻ đối với người cao tuổi, và là lời nhắn nhủ yêu thương trong năm mới của ông bà, cha mẹ, đối với con cháu.
Nếu như chiếc “phong bì” luôn là thứ để trao gửi yêu thương như vậy thì rõ ràng đây là một nét văn hoá rất đáng quý của người Việt. Nhưng nếu hai chữ “phong bì” đó trở nên tiêu cực, chỉ được dùng như một công cụ để thoả mãn lợi ích cá nhân, để trục lợi, thì nó hoàn toàn đáng lên án, phải bị lên án.
Trong hoạt động hành nghề báo chí hẳn sẽ có lúc va chạm chuyện phong bì. Nếu có doanh nghiệp, cá nhân mà bạn đến viết bài muốn gửi phong bì, bạn có nhận? Vì sao?
Có rất nhiều người cũng đã nói với em rằng, nghề của em cũng sẽ va chạm với phong bì. Nhưng nếu em viết bài cho một doanh nghiệp, cá nhân, thì chắc chắn điều đầu tiên em tâm niệm không phải là có nhận phong bì hay không. Điều quan trọng là làm thế nào để làm ra một sản phẩm báo chí thật sự chất lượng, đúng với lương tâm đạo đức nghề báo. Muốn vậy thì mình cũng phải tìm hiểu thật kĩ cá nhân, doanh nghiệp đó để viết về họ sao cho đúng thực chất nhất.
Có thể nếu em làm ra một sản phẩm báo chí thật sự chất lượng, thì đối tác sẽ muốn đưa phong bì đơn giản như một sự trả ơn, một món quà tặng đền đáp lại những sự vất vả, thời gian và tâm huyết mà em đã dồn vào tác phẩm đó.
Nhưng cũng rất có thể có đối tác khác sẽ đưa phong bì để em “tâng bốc”, hoặc né tránh những tiêu cực của họ, viết sai sự thật nhằm có lợi cho họ,…
Rõ ràng cái gì cũng có 2 mặt. Quan trọng nhất là người nhà báo phải thật tỉnh táo trong quá trình tác nghiệp, đông thời luôn đặt sự thật và lương tâm nghề lên trên hết.
Theo Mỹ Anh, nhiều chương trình họp báo có chuẩn bị tài liệu cùng một phong bì thì phong bì đó có xấu, cần phải lên án?
Nếu đó là một chương trình có mục tích tốt đẹp, em nghĩ phong bì đó là chút bồi dưỡng, đồng thời cũng như một lời cảm ơn – cảm ơn những người đến dự đã bớt chút thời gian quý báu của họ, hay “nói vui” là thay cho tiền xăng xe, tiền để họ uống một cốc nước, ăn một bữa trưa nếu buổi họp báo kéo dài.
Quan trọng là người nhà báo phải thật tỉnh táo trong quá trình tác nghiệp, đông thời luôn đặt sự thật và lương tâm nghề lên trên hết - Mỹ Anh chia sẻ. |
Theo Mỹ Anh, những bức xúc về văn hóa phong bì hiện nay trong xã hội liệu có giải quyết được? Mỹ Anh có hiến kế gì để hạn chết sự tiêu cực trong văn hóa phong bì?
Để giải quyết được vấn nạn phong bì, theo em cần sự chung tay của rất nhiều lực lượng xã hội, các cơ quan đoàn thể và đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.
Em nghĩ rằng, mỗi cá nhân trước khi đưa và nhận phong bì, hãy suy nghĩ kĩ xem mục đích khi mình làm việc đó là gì, liệu đó là mục đích tốt hay xấu - liệu phong bì đó có xuất phát từ tấm lòng không hay chỉ vì mục đích cá nhân, trục lợi,…, liệu việc làm của mình có ảnh hưởng xấu đến ai không?
Nếu như mỗi cá nhân đều biết tự đặt cho mình những câu hỏi đó và hướng hành động của mình theo hướng tích cực nhất, thì em nghĩ dần dần nhiều cá nhân, tập thể và nhân rộng ra là cả xã hội sẽ dẹp bớt được góc độ tiêu cực trong văn hoá phong bì. Bởi như em đã nói, điều gì cũng có hai mặt của nó - tích cực và tiêu cực, quan trọng là cách hành xử của mình như thế nào mà thôi.
Cảm ơn Mỹ Anh đã chia sẻ!