Chiều nay (28/5) diễn ra phiên khai mạc của Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số”.
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, là con đường ngắn nhất đi đến tương lai Việt Nam tươi sáng. Phó Thủ tướng cho rằng, với tố chất thông minh, chịu thương, chịu khó, sẵn sàng và nhanh chóng tiếp nhận cái mới của người Việt Nam, chúng ta đang có lợi thế trên con đường này.
Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã làm được một số việc quan trọng, có được sự khởi đầu tốt, tạo được niềm tin và dành được sự hưởng ứng của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Diễn đàn chiều 28/5. |
Một số kết quả đạt được như nhận thức có chuyển biến, làm được một số việc trong tất cả lĩnh vực như tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng. Việt Nam cũng có sự đầu tư khá mạnh mẽ và nhanh chóng cho hạ tầng số với việc cáp quang vươn tới tất cả xã phường thị trấn, 82% hộ gia đình Việt Nam có cáp quang tới nhà. Một số doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này đã có sự khởi đầu ngoạn mục và ngày càng có vị thế cao hơn trong khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu như Intel, Samsung, LG đã chọn Việt Nam là đại bản doanh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như cơ chế chính sách chưa thực sự tạo được đường băng để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cất cánh, nguồn lực cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chưa thực sự được ưu tiên và ứng xử như một lĩnh vực tiên phong. Một số tiêu chí, trong bảng xếp hạng của thế giới, Việt Nam vẫn ở vị trí thấp.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những tồn tại, hạn chế hiện nay là không phải ai cũng quan tâm đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kể cả những người có trách nhiệm. Họ có thể không thích thay đổi thói quen, cách làm, cách suy nghĩ cũ, cũng có thể không phải ai cũng thích cái sự minh bạch bởi minh bạch thì chúng ta không giấu được những chuyện đang muốn giấu.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Phó Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ, công việc phải triển khai. Một là, phải có nhìn nhận đúng mức về câu chuyện chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này. Hai là, chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là khu vực có nhu cầu và phát triển. Ba là, phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách bởi vì ngân sách thì không thể kham nổi tất cả mọi việc và chỉ nên chiếm một tỷ trọng nhỏ.
Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm là, nhà nước và doanh nghiệp cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, đặc biệt là các start-up với tinh thần chấp nhận rủi ro và mạo hiểm. Sáu là, Việt Nam phải cố gắng từng bước "ngồi trên vai người khổng lồ", khai thác tận dụng tốt các thành tựu của thế giới qua hợp tác quốc tế, qua thu hút dự án quốc gia tốt.
Phó Thủ tướng tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại diễn đàn. |
Trong 6 nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng lưu ý nhiều đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm đến các địa phương đầu tư rất quan tâm đến khả năng cung ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý, việc đào tạo nhân lực có thể theo hướng kêu gọi Intel, Sam Sung, LG cùng tham gia đào tạo để đào tạo xong có thực hành luôn, vì khoảng cách giữa đào tạo ở trường và ứng dụng thực tiễn khá xa.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta, đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Số liệu từ ban tổ chức diễn đàn cho thấy, nhiều nước đang thực hiện chuyển đổi số đi kèm cùng chuyển đổi xanh vô cùng mạnh mẽ, có thể lấy ví dụ như tại Mỹ, một số quốc gia châu Âu, gần Việt Nam hơn là Singapore và Hàn Quốc.