Thưa TS, năm 2024 được Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số chọn là năm Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột gồm công nghiệp, công nghệ thông tin; số hoá các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ông đánh giá như nào về vai trò của kinh tế số trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế?
Theo tôi, việc Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số chọn 2024 là năm phát triển kinh tế số là rất phù hợp. Năm 2023, chúng ta đã chọn là năm dữ liệu số rồi. Khi đã có cơ sở dữ liệu - tức là có đầu vào cho chương trình chuyển đổi số quốc gia thì bước tiếp theo là các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp phải bắt tay vào chuyển đổi số rất mạnh mẽ.
Với chủ đề kinh tế số, chúng ta đang hướng tới các doanh nghiệp. Cùng với việc các cơ quan nhà nước tiếp tục chuyển đổi số hướng tới xây dựng được Chính phủ số, nếu không phát triển kinh tế số, chắc chắn trụ cột về Chính phủ số cũng sẽ rất khó khăn, đồng thời cũng không thể có trụ cột thứ 3 là xã hội số được.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN. Ảnh: PV. |
Chúng ta đang hướng tới mục tiêu đến 2025, kinh tế số phải chiếm tỷ trọng 20% GDP quốc gia, đến 2030 phải chiếm tỷ trọng 30%. Nhưng, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam trong mấy năm vừa rồi tương đối chậm, đến năm 2023 mới xấp xỉ 16% GDP. Vì thế, mục tiêu nói trên rất nhiều kỳ vọng, phải rất nỗ lực mới thực hiện được.
Trong kinh tế số, quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải chuyển đổi số thành công. Để chuyển đổi số thành công, trước hết phải xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp phải khẩn trương xây dựng nền tảng công nghệ số cho doanh nghiệp. Chính phủ lo các nền tảng công nghệ số có thể dùng chung, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng những nền tảng hỗ trợ trên nền tảng chung đó.
Hiện nay, chuyển đổi số ở các doanh nghiệp về tài chính ngân hàng nói chung là tương đối ổn vì họ đã chuyển đổi số từ rất sớm. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất thì tương đối khó khăn bởi chưa có nền tảng chung hỗ trợ. Họ phải tự xây dựng nền tảng số của mình. Nền tảng đó phụ thuộc vào đặc điểm từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từng lĩnh vực ngành nghề. Những doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Chính phủ có thể huy động nhân lực từ các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, VNPT, CMC... để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này xây dựng nền tảng công nghệ. Trên cơ sở đó mới thực hiện chuyển đổi số thành công ở khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khối doanh nghiệp dịch vụ.
Tôi rất kỳ vọng, với chủ đề Phát triển kinh tế số, trong năm nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất sẽ có được những bước phát triển tốt hơn, tạo thuận lợi cho chúng ta hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia cũng như kinh tế số trong thời gian tới.
Các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và du lịch được coi là thế mạnh của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo TS, cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực này để kinh tế số thực sự trở thành động lực của nền kinh tế?
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là địa bàn còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế. Các chương trình chuyển đổi số của các địa phương này đang phát triển chậm, và gần như không đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, thậm chí ở quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Họ không có đủ nguồn lực về tài chính cho chuyển đổi số.
Hơn ai hết, chính quyền các địa phương này phải quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp cả về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để họ có thể chuyển đổi số thành công. Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay cũng chưa biết là chuyển đổi số bắt đầu như thế nào, làm thế nào.
Cho nên các ban chuyển đổi số của các địa phương phải xây dựng lộ trình, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các doanh nghiệp biết về chủ trương, quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương về chuyển đổi số; hỗ trợ họ xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp như là dữ liệu về nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, dữ liệu về thị trường, về quá trình sản xuất… Cơ sở dữ liệu cần xây dựng theo cấu trúc chung để có thể tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung, tiến tới tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các doanh nghiệp hiện đều rất thiếu nhân lực chuyển đổi số, vì vậy phải có chính sách đưa những cán bộ có trình độ về công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp, hướng dẫn, giúp cho họ xây dựng dự án về xây dựng nền tảng công nghệ. Ngân sách địa phương có thể hỗ trợ họ trong việc mời chuyên gia, hoặc mời các kỹ sư công nghệ thông tin; xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào, ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp chuyển đổi số… bởi vì chuyển đổi số đòi hỏi đầu tư tài chính rất lớn, hầu hết đều vượt quá năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp.
Khi thực hiện chuyển đổi số, có ưu đãi rồi thì tiếp tục xem xét hỗ trợ họ về thị trường. Đây là vấn đề rất quan trọng. Chuyển đổi số mà không tiêu thụ được sản phẩm, doanh nghiệp không có doanh thu và lợi nhuận thì không tồn tại được và việc chuyển đổi số mất đi hiệu quả, không có ý nghĩa.
Chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả rất lớn nếu như thành công. Nhưng để làm được, đòi hỏi đầu tư ban đầu rất lớn. Tôi nghĩ, chính quyền địa phương phải coi đây là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu. Trong quá trình chuyển đổi số, trước mắt có thể ưu đãi doanh nghiệp về thuế, về tín dụng, tạo điều kiện để họ có nguồn lực đầu tư. Sau này, khi họ chuyển đổi thành công sẽ tăng quy mô sản xuất kinh doanh lên, tăng doanh thu lợi nhuận, nghĩa vụ về thuế lớn hơn nhiều so với ban đầu…
Nếu thực hiện được quan điểm về nuôi dưỡng nguồn thu thì chắc chắn chuyển đổi số có hiệu quả, thành công. Nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi số được thì mãi mãi họ vẫn là doanh nghiệp nhỏ, vừa yếu kém, vừa làm ăn thua lỗ, không thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương được.
Cám ơn ông!