Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: ‘Sao cái gì cũng đẩy qua Quốc hội?'

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận ngày 17/10
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận ngày 17/10
TPO - Ngày 17/10, làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đề xuất cho tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải 500 KV và bàn giao lại cho ngành điện để “giải cứu” các nhà máy đang bị giảm phát công suất, trong lúc cả nước thiếu điện, là thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ ngành báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Cái này thuộc thẩm quyền của Chính phủ”. Ông băn khoăn: "Sao cái gì cũng đẩy qua Quốc hội. Quan trọng là chúng ta làm đúng, có lợi cho đất nước và nhân dân, không có tiêu cực, tham nhũng".

Theo Phó Thủ tướng, tỉnh Ninh Thuận có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, kết nối Miền Trung, Tây Nguyên với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Việc phát triển điện gió, mặt trời của tỉnh Ninh Thuận và các đia phương khác trong những năm qua đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước. Khó khăn hiện nay phải giải quyết ngay là phải giải tỏa được công suất các nhà máy điện vì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của địa phương.

“Tỉnh cần tiếp tục khai tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng lợi thế sẳn có. Chính phủ rất quan tâm. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo có cơ chế cho các nhà máy điện gió, mặt trời”, ông nhấn mạnh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề: Tư nhân sẵn sàng đầu tư 27 km đường dây 500 KV, sau đó bàn giao cho nhà nước quản lý vận hành, nếu không đồng ý thì có khôn ngoan không? Phó Thủ tướng nêu rõ: Nhà đầu tư xin làm, tự bỏ tiền ra thì tốt quá. Quản lý vận hành vẫn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tài sản đó cuối cùng là của nhà nước.

"Đề xuất làm nhà máy điện mặt trời Thuận Nam kết hợp đường truyền tải 500 KV bàn nhiều quá. Bộ Công thương phải khẩn trương phối hợp với EVN thực hiện, xem xét bổ sung nhà máy Thuận Nam vào quy hoạch. EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái.

Chúng ta đã cho tư nhân làm một số hệ thống kết nối, bây giờ lại đề xuất xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng khác nào tự khóa chúng ta lại”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, việc các nhà máy giảm phát công suất điện gây thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ.

“Nên để các nhà đầu tư tư nhân tham gia chuỗi. Cách làm như vừa qua vừa chậm, vừa không đồng bộ, mất nhiều thời gian”, ông Nhân nói.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhất trí với đề xuất của tỉnh về việc khẩn trương đầu tư các công trình truyền tải để giải toả công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: ‘Sao cái gì cũng đẩy qua Quốc hội?' ảnh 1 Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu khảo sát thực tế tại công trường nhà máy điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư Trung Nam

Đối với những công trình cấp bách đang đề xuất triển khai, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương và EVN sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư; thu hút nhà đầu tư theo hướng xã hội hoá.

Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến hết tháng 9 vừa qua, tổng công suất các nhà máy điện gió, mặt trời là khoảng 1.150 MW, trong đó điện mặt trời khoảng 1.040 MW, điện gió 110 MW.  Theo quy hoạch phê duyệt, tổng công suất các nguồn điện tại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 khoảng 4.040 MW.

Tính đến 30/6, tỉnh Ninh Thuận đã vận hành thương mại 19 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.050 MW, trong đó có 10 nhà máy với tổng công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (215 MW). Tính đến 30/6, 10 dự án này phải giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh gây thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình hình này còn tiếp tục đến cuối năm 2019 sẽ phải giảm phát khoảng 224 triệu kWh, gây thiệt hại khoảng 479,4 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: ‘Sao cái gì cũng đẩy qua Quốc hội?' ảnh 2 Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã đưa vào vận hành 19 dự án điện gió (tổng công suất 1.150 MW), điện mặt trời, trong đó có 10 dự án phải giảm phát công suất do đường truyền chỉ đáp ứng 800 MW

Nhằm giải quyết quá tải lưới điện truyền tải dẫn đến phải giảm phát các nguồn điện năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị chọn nhà đầu tư (Tập đoàn Trung Nam) triển khai dự án nhà máy điện mặt trời tại khu vực Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW kết hợp với đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV đấu nối và truyền tải công suất các nhà máy khu vực lân cận vào hệ thống điện quốc gia.

Tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới 1.200 tỉ đồng. Nhà đầu tư cho biết Sau khi dự án hoàn thành thì sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng).

Nhà đầu tư cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận.

MỚI - NÓNG