Phó hiệu trưởng trường ĐH nói gì khi bị nêu trong đơn vụ tiến sĩ ngã lầu tử vong?

Ông Nguyễn Đức Trung - phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, khẳng định mình và TS Bùi Quang Tín là bạn bè rất thân thiết, chưa từng xảy ra mâu thuẫn

Trong đơn tường trình tại cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè và trao đổi với phóng viên trưa 7/4, bà Nguyễn Thanh Bích (45 tuổi, vợ tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín) cho rằng cái chết của chồng bà có uẩn khúc, là một vụ án mạng và mong công an làm rõ vụ việc.

"Từ khi có chỉ thị cách ly xã hội, vợ chồng tôi luôn ở nhà, không đi đâu cả. Thời điểm ở nhà, tâm lý anh ấy vẫn bình thường nên khó có chuyện tự tử hay ngã một cách vô lý như vậy được. Tôi cầu mong cơ quan điều tra làm rõ vụ việc" - bà Bích mong mỏi.

Phó hiệu trưởng trường ĐH nói gì khi bị nêu trong đơn vụ tiến sĩ ngã lầu tử vong? ảnh 1 Sảnh D2 - nơi xảy ra vụ việc

Trong đơn, bà Bích cho hay ông Tín từng được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông Trường Đại học Ngân hàng TP HCM nhưng bị áp lực nên phải từ chức. Ngoài ra, bà Bích còn nhắc đến ông Nguyễn Đức Trung (phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM), người từng khiến ông Tín dè chừng, cảnh giác sau những lần nói chuyện hoặc bàn bạc công việc trong trường.

"Hơn 1 tháng trước, thầy Trung có gọi chồng tôi lên phòng làm việc. Chồng tôi dè chừng đến mức không dám uống ly nước trà thầy Trung rót mà tự tay pha bình trà khác" - bà Bích kể.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Trung cho biết: "Không có chuyện đó. Tôi không hiểu tại sao chị Bích lại nói về tôi như vậy". Ông Trung khẳng định mình và ông Tín là bạn bè rất thân thiết, chưa từng xảy ra mâu thuẫn. Có việc gì, hai người thường ngồi lại trao đổi, bàn bạc với nhau vì công việc.

Ông Trung cho rằng trong thời gian phụ trách phòng truyền thông, do áp lực nên ông Tín đã viết đơn xin nghỉ việc và được ban lãnh đạo nhà trường đồng ý.

"Còn chuyện anh Tín không uống ly trà tôi rót vì có thể anh ấy thích loại trà khác, nên pha bình mới là bình thường. Tôi sẽ gặp chị Bích để hỏi mọi chuyện. Tôi không hiểu tại sao chị ấy lại viết trong bản tường trình như vậy" - ông Trung nói.

Ông Trung thừa nhận là người có mặt cùng 8 người khác trong căn hộ của ông Trần Việt Dũng (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế) tại chung cư New Sài Gòn. Ông là người cuối cùng nói chuyện với ông Tín trong căn hộ này, trước khi ông Tín ra về rồi ngã lầu tử vong.

"Đúng là tôi có mặt tại thời điểm đó. Mọi việc tôi đã trình bày với công an hết rồi…" - ông Trung cho biết.

Làm việc với công an, ông Trung cho hay khi ông Dũng (chủ căn hộ) rời khỏi nhà thì ông và ông Tín tiếp tục ngồi nói chuyện với nhau. Sau đó, 2 người thấy mệt nên nằm nghỉ trong căn hộ. Một lúc sau thấy ông Tín ra về, ông Trung khuyên ở lại để gọi người nhà đến đón. Ông Tín bảo tự về nhà được nên ông Trung tiếp tục nằm nghỉ.

Bất ngờ sau đó, ông Trung nghe tiếng động mạnh phát ra từ khu vực giếng trời sảnh D2 nên ra xem. Nghi có chuyện không lành nên ông Trung đã gọi điện cho ông Dũng quay về nhà thì hay tin ông Tín ngã lầu tử vong.

Riêng ông Dũng khai khi chạy xe được nửa đường thì nhận được cuộc gọi từ ông Trung thông báo ông Tín gặp chuyện. Ông Dũng về đến nơi thì thấy công an đang phong toả hiện trường nên không vào trong được. Ông Dũng sau đó đã đến trụ sở công an ghi nhận lời khai về toàn bộ vụ việc.

Diễn biến vụ việc:

Ông Phạm Minh Huấn, Trưởng Ban quản lý khu căn hộ New Sài Gòn, thông tin khoảng 17 giờ 30 phút ngày 5-4, bảo vệ chung cư nghe tiếng động phát ra từ tầng trệt, sảnh D2 của chung cư. Bảo vệ chung cư ra xem thì phát hiện tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín rơi từ lầu cao xuống và đã tử vong. Vụ việc sau đó đã được trình báo công an.

Ông Huấn khẳng định lan can chung cư nơi ông Tín bị phát hiện ngã lầu cao khoảng 1,2m. Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy tại chung cư này.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.