Phổ điểm thi lớp 10 của Hà Nội, TPHCM: Lo ngại dạy và học môn ngoại ngữ

TPO - Hà Nội và TPHCM được coi là hai địa phương có thế mạnh về dạy và học ngoại ngữ trên cả nước. Vậy nhưng tại kỳ thi lớp 10 vừa qua, số lượng bài thí dưới trung bình lại khá lớn.

Hà Nội và TPHCM được coi là hai địa phương có thế mạnh về dạy và học ngoại ngữ trên cả nước. Theo phân tích của các thầy cô trong tổ tiếng Anh của hệ thống giáo dục Học mãi thì phổ điểm môn tiếng Anh của hai địa phương này nói lên khá nhiều điều.

Vốn được xem như một môn học thế mạnh của học sinh Hà Nội nhưng môn Tiếng Anh lại chiếm tỷ lệ điểm trên trung bình thấp nhất so với 3 môn còn lại (Toán, Ngữ văn, Lịch sử). Cụ thể, chỉ có 55,78% thí sinh đạt điểm trên trung bình; có tới 37.600 thí sinh (44,22%) bị điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh nhất là 3 và điều này khiến dư luận khá bất ngờ. Tuy nhiên đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt nhiều điểm 10 nhất trong 4 môn thi với 1355 thí sinh (1,59%) và chỉ có 1 thí sinh bị điểm 0.

Phổ điểm thi lớp 10 của Hà Nội, TPHCM: Lo ngại dạy và học môn ngoại ngữ ảnh 1

Nguồn Học mãi

Đây là năm đầu tiên Hà Nội đưa Tiếng Anh là môn thi bắt buộc nên chính vì thế mà sự đầu tư cho môn học này ngay từ đầu cấp THCS để đi thi chưa được chỉn chu như các môn Toán và Văn. Có lẽ từ năm sau trở đi điểm thi môn Tiếng Anh sẽ được cải thiện vì nhà trường và phụ huynh có thời gian và sự quan tâm lớn hơn vì đây là môn thi bắt buộc cùng với Toán và Văn.

Và cũng vì là năm đầu tiên thi Tiếng Anh nên đề thi không hề đánh đố thí sinh; ngược lại còn khá dễ thở vì có đến 80% kiểm tra các kiến thức cơ bản; không xuất hiện nhiều các câu hỏi về từ vựng; minh chứng là xuất hiện 1355 điểm 10, hơn nửa số thí sinh đạt điểm trên trung bình.

Tuy nhiên, với mức độ đề cơ bản như này, việc 44,22% số thí sinh có điểm dưới trung bình khiến chúng ta vô cùng lo ngại về trình độ Tiếng Anh của phần lớn thí sinh còn quá yếu, chưa đạt tới mức cơ bản.

Đề thi được đánh giá dễ thở nhưng lại không phải là một đề thi hay. Đề thi hay là một đề thi vừa kiểm tra được các kiến thức nền tảng, vừa có sự phân hóa học sinh rõ rệt. Số lượng các câu hỏi phân loại thí sinh đếm trên đầu ngón tay, còn chưa kể sự chưa cân đối về số lượng các câu hỏi kiểm tra từ vựng – ngữ pháp.

Nếu so sánh giữa đề Tiếng Anh của Sở GD&ĐT Hà Nội với đề của Sở GD&ĐT TP.HCM, chúng ta thấy một sự khác biệt về nội dung đề thi; nếu như đề của TP.HCM thiên về từ vựng thì đề của Hà Nội lại chủ yếu tập trung vào ngữ pháp. Tuy nhiên, nó sẽ hay hơn nếu chúng ta cân đối được số lượng các câu hỏi về từ vựng và ngữ pháp mà vẫn phân loại được học sinh.

Theo Học mãi, phổ điểm môn Ngoại ngữ ở mức thấp mặc dù thành phồ Hồ Chí Minh được đánh giá là khu vực có sự đầu tư về trang thiết bị và trình độ giáo viên ngoại ngữ. Như vậy, về một mức độ nào đó, có thể nói việc ra đề năm nay đã đánh vào điểm yếu của thí sinh.

Phổ điểm thi lớp 10 của Hà Nội, TPHCM: Lo ngại dạy và học môn ngoại ngữ ảnh 2 Nguồn Học mãi
Với đề thi Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 vừa qua, đề thi được đánh giá khá hay, khi không còn nặng nề về ngữ pháp, các tình huống mang tính giáo dục, và đặc biệt kiểm tra khá nhiều về từ vựng. Nhưng đây cũng là một bất lợi cho hầu hết các thí sinh mặc dù các từ vựng trong đề thi là các từ quen thuộc, xuất hiện trong sách giáo khoa thậm chí trong cuộc sống hàng ngày. Tâm lý của học sinh cứ nhìn thấy nhiều từ vựng là thấy sợ hãi. Bên cạnh đó, đề thi có một số dạng bài khó như phần viết lại câu, cho dạng đúng của từ, học sinh thường bỏ qua phần này hoặc nếu có làm thì cũng gặp nhiều khó khăn. Tiếng Anh là một môn học đặc thù khi phải kết hợp 3 yếu tố từ vựng, ngữ pháp và kỹ năng làm bài. Để làm tốt một bài thi Tiếng Anh, thí sinh phải vận dụng tốt 3 yếu tố này. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết học sinh ở Việt Nam mới chỉ có được 1-2 yếu tố thôi. Học Tiếng Anh là một quá trình tích lũy, chúng ta không thể học vài ngày mà giỏi được; chính vì thế một yếu tố quan trọng hơn cả là phải chăm chỉ và kiên trì. Hiện nay, học sinh có xu hướng thích học những cái gì nhanh chóng, lười tư duy và suy nghĩ nhưng chúng đâu có biết rằng để học tốt được Tiếng Anh và hiểu đúng bản chất của nó thì phải học bằng ngôn ngữ Tiếng Anh “thật” , không có một phương pháp hay mẹo nào có thể giúp chúng trở nên tốt hơn. Qua phổ điểm cho thấy đây là một tín hiệu đáng buồn cho những người học ngoại ngữ trong khi Tiếng Anh là một công cụ có thể giúp chúng gia tăng cơ hội phát triển trong tương lai. Học sinh cần phải chủ động và chăm chỉ hơn trong việc học ngoại ngữ của mình.
MỚI - NÓNG