Hình ảnh mới hoàn toàn đối lập với con phố nhỏ như cái ngõ tối tăm bụi bặm trước đây. Chỉ riêng việc người dân tự giác không nhận đền bù để mở rộng đường và vỉa hè cũng đủ để Lê Trọng Tấn trở thành phố kiểu mẫu của Hà Nội. Việc này xét ra toàn có lợi cho người dân: vừa được không gian rộng thoáng, thuận lợi giao thông lại vừa tăng giá nhà đất.
Lê Trọng Tấn có đặc điểm chỉ có một dãy nhà, phía đối diện là tường bao của các cơ quan quân sự. Kể cũng may chứ bây giờ cả hai bên đều là nhà dân, đều lắp biển xanh đỏ thì người tham gia giao thông chỉ còn biết chạy cho nhanh.
Vì các tấm biển thực tế là một dải hai màu đối lập kéo dài liên miên khiến người quan sát dễ bị lóa mắt. Hiệu ứng màu sắc phải hỏi thêm các chuyên gia nhưng bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng. Chẳng hạn chỉ cần nhìn ai mặc áo kẻ sọc hai màu tương phản là chúng ta phải chớp mắt liền vì chói.
Nhân trường hợp phố Lê Trọng Tấn, lại nhớ Hội An. Tất cả các biển cửa hàng ở Hội An đều có màu nâu đậm, chữ nhũ vàng- những sắc độ hoàn toàn cổ kính phù hợp với không gian nơi đây. Các biển hiệu này không nhất thiết bằng nhau chằn chặn hay nối liền thành một dải.
Chính vì thế người ta không nhận ra một sự áp đặt khiên cưỡng nào. Nhưng phố cũng… vô thập toàn. Hội An lại không phải kiểu mẫu khi cho tất cả cư dân và du khách một thực đơn âm nhạc phát vào giờ cố định trên khắp các con phố.
Một chủ cửa hàng ở đường Lê Trọng Tấn trả lời báo: “Quanh nhà tôi 2- 3 nhà biển cũng màu xanh bán quần áo. Nhiều khách quen họ nhìn mãi không ra nên thậm chí có lúc mất khách hoặc khách phải hỏi thăm mới tìm được cửa hàng mình. Doanh thu cửa hàng giảm hẳn so với trước”.
Nhiều cư dân khác cũng ý kiến tương tự. Thôi thì cứ cho là giăng biển xanh đỏ đúng hai màu cờ Mỹ như một cách thể hiện hiếu khách để đón ông Obama(!) Nhưng khi ông ấy về rồi thì cũng nên bàn vì sinh kế của người dân...