“Police. Inside now, please!”
Trước thời điểm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nới giờ giới nghiêm, dịp cuối tuần, phố cổ Hà Nội vẫn nhộn nhịp hơn ngày thường. Đông nghịt du khách, cả tây, cả ta, già có, trẻ có. 23h, nhiều địa điểm trông xe đã từ chối khách. Một vài địa điểm dù vẫn nhận xe nhưng dặn trước “Đúng 0h phải ra lấy đấy nhé”.
Gửi xe trên phố Đinh Liệt xong, chúng tôi hòa vào dòng người ngược xuôi trên phố Tạ Hiện, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến. Tiếng nói, tiếng cười đùa, tiếng cãi vã của người uống quá chén cộng với tiếng nhạc xập xình từ mấy quán bar tạo nên không khí hỗn tạp quyện với mùi thức ăn thập cẩm bày la liệt trên phố. Hàng quán hai bên chắn hết vỉa hè, lòng phố, lối đi chỉ còn một khoảng nhỏ ở giữa, chừng hai dòng người xuôi ngược đi lọt.
Một vài quán bar mở cửa, tiếng nhạc thoát ra ngoài đường. Khách vừa uống bia, thỉnh thoảng lại nghêu ngao hát theo mấy ca từ nước ngoài. Quán bar 1900 đoạn giữa phố Tạ Hiện lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng trước cửa. Gần chục nhân viên đứng vây quanh, vừa làm nhiệm vụ bán vé, thu tiền và mời khách vào. Theo nhân viên ở đây, mỗi lần vào là 80 nghìn/người và muốn ra lúc nào cũng được.
Anh Lượng cư dân của phố đêm bảo, nới giờ giới nghiêm nhưng phải tôn trọng quyền riêng tư của người dân. “Du khách chơi thì chơi nhưng phải lưu ý tôn trọng quyền của người khác nữa. Phải cho họ nghỉ ngơi, con em yên tĩnh học tập. Quan trọng nhất là cái đấy. Nếu đảm bảo được thì nới bao nhiêu cũng được”.
Anh Lượng nói
Cũng hơi ngạc nhiên, chỉ cách nhau vài tuyến phố, nhưng ở tuyến đường Hàng Ngang - Hàng Đào - Chợ Đồng Xuân kém thu hút hơn. Từ khoảng 23h, những hàng quán ven đường bắt đầu thu dọn hàng hóa. Vài khách du lịch phương Tây tranh thủ lựa chọn vài món đồ cho riêng mình rồi lại tìm về Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Buồm. Dọc phố Hàng Buồm, từng đoàn xe taxi, xe máy tấp nập đưa du khách đến khu vực giao cắt với phố Tạ Hiện. Gần 0h, xe cảnh sát liên tục vòng qua vòng lại khu vực này.
Thấy xe cảnh sát xuất hiện, phố Tạ Hiện bắt đầu dọn dẹp. Giờ giới nghiêm bắt đầu. Cùng với tiếng loa thông báo của cảnh sát, vài ba trật tự phường trực tiếp đi vào phố, đốc thúc những cửa hàng dọn dẹp. Thấy công an, một vài nhân viên quán bar ra ngoài, yêu cầu khách hàng vào trong nhà. “Police, inside now, please!”. Vài du khách đi vào, nhưng vài người khác cầm chai bia uống dở bỏ đi hướng ra phía Hàng Buồm, Mã Mây…
Anh Lượng quê ở Nam Định, một người đạp xích lô đã nhiều năm nay chờ khách ở đầu phố Hàng Giầy bảo, thời gian này vắng khách, tranh thủ cuốc nào hay cuốc ấy, chứ khoảng hơn 0h là anh nghỉ. “Tây chỉ chơi ở khu này thôi. 1 – 2h thì mới tan. Cảnh sát đi dẹp nhưng trong các quán bar vẫn hoạt động bình thường”, anh Lượng nói. Anh bảo, muốn biết thực hư cứ vào phố Tạ Hiện, hoặc ra Hàng Buồm.
0h30, trước quán bar 1900 trên phố Tạ Hiện vẫn đông người đứng chờ. Nhân viên quán bar vẫn đứng ngoài, sẵn sàng đón khách vào trong. Cạnh đó, vài người mặc cảnh phục, dân phòng đứng quan sát. Có khách, nhân viên quán bar mở cửa, lần lượt từng người vào. Tiếng nhạc chát chúa theo cánh cửa mở, vang lên giữa phố rồi nhỏ lại theo cánh cửa dần khép lại.
Tiệc tùng và… hơn thế nữa!
Gần 1h sáng, từng đoàn xe taxi di chuyển về ngã tư Hàng Buồm - Tạ Hiện. Khách gọi xe cũng có, đến bắt khách cũng có. Vài ba cô gái Việt mặc váy hở vai quyến rũ đứng ôm nhau bên đường. Mấy anh tây với chai bia dở trên tay ngay lập tức đến làm quen. “Do you like a party?”, một cô gái hỏi. Người đàn ông hỏi lại, có vẻ ngạc nhiên.
“Party? When, where? Cô gái thì thầm vào tai người đàn ông, cả nhóm bắt taxi theo hướng Hàng Buồm - Mã Mây rồi mất hút. Anh Lượng bảo, những trường hợp như thế không hiếm. “Mấy cô đi cùng với các anh tây thì nhiều. Đó là chuyện bình thường. Đi một vòng là kiếm được khối tiền. Đủ trò”, anh Lượng nói.
Có khách đi thì cũng có khách đến. Lúc này, quán bar Factory trên phố Hàng Buồm đã dọn hết bàn ghế ngoài vỉa hè. Một vài nhân viên đứng ngoài sẵn sàng hé cửa để khách vào, khách ra. Cách đó khoảng hơn chục mét, quán bar Hangover đón nhiều khách nước ngoài hơn. Từng tốp chục người khách nước ngoài dàn hàng ngang trò chuyện ngoài đường, chắn cả lối đi của đoàn taxi.
Xe công an thỉnh thoảng vẫn lượn qua, lượn lại, yêu cầu không được kinh doanh vì đến giờ giới nghiêm. Chị Cao Thị Sáng, một nhân viên dọn vệ sinh trên phố Hàng Buồm cho biết, hôm nào mấy quán bar cũng hoạt động tới 2 - 3h, dù từ lúc 0h đã có lệnh giới nghiêm. “Không tin, cậu cứ ra đó mà xem”, chị Sáng nói. Theo hướng chị Sáng chỉ, vài ông Tây quấn vải trên người chạy đuổi nhau huỳnh huỵch trên phố, vài người đang mải mê trút bầu tâm sự ngay trên vỉa hè trước cửa nhà dân. Chị Sáng nói, cứ bảo tây văn minh, lịch sự nhưng cũng có người này người kia. “Nhiều khi say sưa, nôn ọe đầy ra phố, mình dọn dẹp mệt lắm”, chị Sáng nói.
1h sáng, phố phường đã bớt tấp nập. Rác thải la liệt trên phố, được dồn lại ven đường. Lòng phố Tạ Hiện xe máy di chuyển được, nhưng trơn trượt do rác thải. Một chiếc xe chở 5 người, trong đó có cả khách Tây “xòe” ngay giữa phố. Một ông tây có vẻ say rượu, đứng dậy sau khi ngã còn bập bẹ chữ “trẻ trâu”.
Từng tốp du khách tỏa ra các hướng. Người đi về hướng Hàng Giầy, người đi về phía Hàng Buồm, Mã Mây…Trong những top đó có cả người Việt, đa phần là người trẻ. Vài cô cậu đi không vững, hai bên phải có người dìu. Có người vừa bước lên xe ngã sấp mặt xuống phố. Một số ngồi ngay ven đường nôn ọe. Có vài nhóm rủ nhau đi tiếp “tăng nữa” nhưng “trước hết phải cho em nôn một tí đã nhé”.
Những phận người trong đêm
Len lỏi giữa các phố Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Mã Mây từ 18h hôm trước đến tận 1 - 2h sáng hôm sau, bà Hoa (quê Hà Nam) đi nhặt chai nhựa của du khách bỏ đi ở bãi rác. “Bây giờ chai nhựa bán 4 nghìn/kg. Chai nhẹ lắm, nhặt mãi mới được có vài cân chứ không được nhiều”, vừa nhặt chiếc chai nhựa ở đống rác mới đổ bên phố Hàng Buồm, bà Hoa vừa nói.
Bà Hoa năm nay đã 60 tuổi. “Vì già rồi nên hay được người ta cho chai lắm”. Bà Hoa đi học tuyến phố Tạ Hiện, thỉnh thoảng lại được cho vài cái chai hoặc nhặt được vài lon nước ngọt bỏ đi. Bà còn ghé cả vào trong quán bar 1900 để xin vỏ chai nước. Cứ đi một lúc, bà lại mang “hàng” về tập kết ở một địa điểm để rạng sáng mang về nhà. “Đi lang thang suốt. Chỗ này được vài cân rồi, nhẹ bọp. Tôi thường đội về nhà tận cầu Chương Dương. Chợ ở đấy. Thỉnh thoảng đi bộ về lại được mấy người hoạt động từ thiện cho bánh, xôi, cơm nếp, giò, hộp sữa”, bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, nếu phố cổ hoạt động thêm, bà sẽ làm thêm vì “Không làm thì lấy gì mà ăn. Chỉ làm được buổi đêm thôi chứ ban ngày có ai ăn uống gì đâu mà nhặt. Mỗi ngày cũng chỉ mong kiếm được khoảng 100 nghìn thôi chứ không muốn hơn”, bà Hoa nói.
Già hơn bà Hoa, bà Nhung năm nay đã 70 tuổi cũng làm nghề nhặt nhạnh ở phố cổ kiếm sống. Bà Nhung bảo, hiện tại thường làm đến 3h sáng, kiếm được khoảng 100 nghìn mỗi ngày, nhưng nếu phố cổ hoạt động thêm giờ thì sẽ làm thêm. “Mở đến lúc nào thì sẽ làm đến lúc ấy. Bây giờ đồng nát rẻ, nhựa rẻ lắm. Đi làm thế này các bác thương hại, nhiều khi cho dăm ba đồng uống nước. Cuộc sống chủ yếu về đêm thôi”, người phụ nữ gốc Hà Tây chia sẻ.
Rác nhiều, những người như bà Hoa, bà Nhung mừng vì có cơ hội mưu sinh từ rác, nhưng những người làm vệ sinh môi trường như chị Sáng lại thấy căng thẳng. Theo chị Sáng, bình thường khoảng 1h chị sẽ hết giờ làm, nhưng đa phần phải làm việc đến 2 - 3h, thậm chí có hôm đến 4h30. “Nới thêm giờ giới nghiêm thì cũng thế thôi. 0h30 mà vẫn chưa đâu vào đâu, vẫn bán hàng đến 1 - 2h sáng. Như tôi mỗi buổi phải xử lý 14 - 15 xe rác một mình. Mỗi xe trung bình 5 tạ”, chị Sáng nói. Chị bảo, đang tính đi ăn phở để có sức làm thì quán phở đóng mất rồi. “Tháng nào đủ công thì được 5,2, - 5,3 triệu, nhưng không ăn thua”, chị Sáng chia sẻ.
Làm việc đêm, chị Sáng bảo cũng sợ những trường hợp đánh nhau, sợ chẳng phải đầu cũng phải tai. “Rượu chè vào, say sưa rồi đánh nhau cũng có. Mình cứ cầm xẻng chạy thôi. Nó vớ xẻng nó phang là chết. Bây giờ đã phức tạp rồi, sợ còn phức tạp hơn nữa”, chị Sáng lo lắng. Đồng tình với chị Sáng, một bà cụ bán nước ven phố Hàng Buồm bảo: “Sợ nhất là đánh nhau. Lúc còn sớm thì không sao, nhưng về đêm thanh niên uống rượu uống chè dễ đánh nhau lắm. Trước ở đây đuổi nhau ầm ầm. Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi”, bà lão nói.