Phó Chủ tịch phường xin lỗi vụ vào thăm mới biết con đi tù đã chết

Vợ chồng ông Đứng bức xúc trình bày sự việc.
Vợ chồng ông Đứng bức xúc trình bày sự việc.
Sau bài viết “Vào tù thăm con mới biết con đã chết hơn 16 tháng” đăng tải trên Dân trí, Phó Chủ tịch phường thừa nhận phường chưa làm hết trách nhiệm, tuy nhiên bản thân gia đình và phía trại giam cũng chưa thực sự sâu sát.

Theo phản ánh của ông Trần Đứng, cha của phạm nhân Trần Anh Tuấn (SN 1981, trú phường Vĩnh Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa), năm 2001, Tuấn phạm tội “giết người” và bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam ngày 25/6/2001. 

Bản án số 07 ngày 22/1/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Tuấn 12 năm tù về tội danh nói trên. 

Ngày 21/3/2002, phạm nhân Tuấn đến chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Xuân Phước (Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đóng tại Phú Yên). Theo án phạt, ngày 25/6/2013, Tuấn mãn hạn tù.

Về việc Tuấn đã hết hạn tù từ giữa năm ngoái nhưng gia đình không quan tâm thăm nom, mà phải đến tháng 10/2014 mới nhớ ra đi thăm con, bà Trần Thị Ngọc, mẹ Tuấn, giải thích, trong các lần thăm trước, có lần gia đình không được gặp con. Cán bộ trại giam nói do Tuấn vi phạm kỷ luật nên không được gặp người thân.

Năm vừa rồi, chồng bà đau tim nặng, không ai chăm sóc, lại không có tiền nên bà không thể đi thăm con. Thấy con chưa về, ông bà cứ ngỡ con tiếp tục phạm kỷ luật nên trại chưa cho về. 

Ngày 13/10/2014, bà Ngọc qua Phú Yên thăm Tuấn thì hay tin con đã chết vào ngày 12/6/2013 do bệnh AIDS giai đoạn cuối. 

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa), để tiến hành thủ tục chôn cất phạm nhân phải có giấy chứng tử từ nơi cư trú cuối cùng của người đó. Trường hợp này, phạm nhân có địa chỉ rõ ràng ở phường Vĩnh Thọ (TP Nha Trang) nên trách nhiệm cấp giấy báo tử, báo cho thân nhân người chết thuộc về Thủ trưởng trại giam Xuân Phước. 

Việc giải quyết đăng ký khai tử trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang - là nơi cư trú cuối cùng của phạm nhân chết. 

Theo giấy tờ thu thập được, sau khi phạm nhân Tuấn chết, trại giam đã gửi giấy thông báo cho UBND phường Vĩnh Thọ, đồng thời cũng gửi cho gia đình phạm nhân, cùng một số cơ quan liên quan.

Theo luật sư Hà, sau khi phạm nhân Tuấn chết, việc UBND xã Xuân Phước (Đồng Xuân, Phú Yên) - nơi trại giam đóng chân - đã ký giấy chứng tử là không đúng quy định. 

“Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng đều chưa làm hết trách nhiệm với gia đình ông Đứng”, luật sư Hà nhấn mạnh.

Ngày 22/10, ông Phạm Nguyễn Tất Nhiên, cán bộ tư pháp phường Vĩnh Thọ thừa nhận thẩm quyền cấp giấy chứng tử cho phạm nhân Tuấn là của phường. Theo quy định, thời hạn làm thủ tục khai tử không quá 15 ngày. 

Về sự tắc trách của phường, ông Nhiên cho rằng, giấy thông báo trại giam gửi cho phường không hề ghi ngày, tháng, năm phạm nhân chết nên phường không rõ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, thấy văn bản trại giam gửi có thể hiện rõ ngày, tháng, năm phạm nhân chết.

Phó Chủ tịch phường xin lỗi vụ vào thăm mới biết con đi tù đã chết ảnh 1

Văn bản thông báo trại giam gửi cho phường có ghi rõ thời điểm phạm nhân chết

Làm việc với phóng viên ngày 22/10, ông Trình Xuân Minh Thế, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ, thừa nhận trong vụ việc này phường có khuyết điểm, nhưng cũng cần sự cộng tác của trại giam, cần sự quan tâm của gia đình. 


“Tất nhiên cán bộ tư pháp hộ tịch cần phải có cái tâm đôn đốc tại sao trường hợp này chưa làm giấy chứng tử. Mặt khác, yêu cầu phải có những quy định chặt chẽ bởi lâu nay vấn đề này hầu như bỏ ngỏ”, ông Thế thừa nhận.

Ông Thế chia sẻ: “Thông qua báo chí tôi xin lỗi và chia sẻ những mất mát, buồn bã với gia đình”. Ông Thế cho biết sắp tới sẽ sắp xếp đến gặp gia đình ông Đứng để giải quyết vụ việc. Được biết, hiện gia đình ông Đứng đã gửi đơn lên Công an TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị làm rõ vụ việc.

Theo Viết Hảo

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG