Trao đổi với Tiền Phong bên lề Tọa đàm Giải pháp phát triển hàng không Việt bền vững, do Báo Giao thông và Bamboo Airway tổ chức chiều nay (11/4), ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, thị trường hàng không Việt Nam thời gian qua phát triển khá nóng, và tương lai vẫn là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo ông Thanh, hiện hạ tầng hàng không về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển trong nước. Tuy nhiên, có một số cảng hàng không có nút thắt, nóng nhất là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vẫn nghẽn. Do đó, có phần nào đó ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển của các hãng hàng không.
Theo ông Thanh, hiện trục hàng không đang chuyển từ khai thác hướng Bắc - Nam, với 3 sân bay chính là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất sang phát triển đồng đều điểm với điểm. Các hãng hàng không cũng phải theo đó thay đổi mạng đường bay của mình.
Ngoài ra, theo chiến lược phát triển hàng không tới năm 2025, ACV sẽ đầu tư nâng cấp các sân bay để đưa công suất từ 97 triệu hành khách/năm hiện nay lên 185 triệu hành khách/năm, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của các hãng hàng không.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một trong những điều kiện giúp hàng không Việt phát triển mạnh nhờ sự cạnh tranh thực chất hơn. Thực tế, có doanh nghiệp mới tham gia, có doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi. Điều này có được nhờ tư duy quản lý nhà nước thay đổi, sự tham gia của tư nhân đã được khẳng định hiệu quả.
Về phía nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không, ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng nêu quan điểm, với ngành hàng không cạnh tranh là cần thiết. Dự kiến, với dự án BOT sân bay Vân Đồn, nhà đầu tư cần thời gian khoảng 5 năm để hoàn vốn.
Phó Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng chia sẻ, cạnh tranh trong hàng không không chỉ giữa các hãng mà còn là cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Cạnh tranh đó mang lại lợi ích lớn cho hành khách. Định hướng của hãng hàng không cũng là kết nối các địa phương người dân có nhu cầu, nhưng điểm yếu hiện nay là chưa có đường bay kết nối.
Ông Phạm Vũ Tùng, Giám đốc Dự án Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air cho biết, thực tế nhiều người nghĩ cạnh tranh không tốt nên trong quá trình hãng này xây dựng và phát triển cũng phải chịu áp lực suốt 8 năm qua. Thực tế, một số nước trong khu vực có nhiều hãng hàng không hơn Việt Nam do đó phải nhìn nhận cạnh tranh khu vực khi Việt Nam mở cửa bầu trời, thay vì cạnh tranh nội địa.
Trong khoảng thời gian 10 năm qua (2008 - 2018), số lượng tàu bay của hàng không Việt Nam từ 60 tàu lên 192 tàu bay hiện nay (số tàu bay thuộc sở hữu Việt Nam tăng từ 29 tàu lên 57 tàu). Mạng đường bay tăng từ 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế, sau 10 năm tăng lên gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế...
Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hiết, dự kiến, năm 2020, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ vào thanh sát an toàn hạ tầng hàng không Việt Nam.