Tràn lan
Đạo diễn Văn Công Viễn-sau khi làm phim màu sắc ngôn tình Cho em gần anh thêm chút nữa- bận rộn với lịch tuyển diễn viên cho Cô nàng ngổ ngáo (My sassy girl). Phim chuyển thể từ kịch bản cùng tên của Hàn Quốc ra mắt năm 2001. “Phiên bản gốc là câu chuyện tình hơi hướng cũ, phiên bản Việt là cuộc tình đầy cảm xúc cho giới trẻ”, Văn Công Viễn nói. Phim quay toàn bộ tại Đà Nẵng.
Yêu đi, đừng sợ cũng là phim điện ảnh làm lại từ kịch bản Hàn Quốc (Spellbound) do đạo diễn mang hai dòng máu Việt-Mỹ Stephane Gauger thực hiện. Đạo diễn tây này khá có duyên với điện ảnh Việt khi từng đóng phim tại Việt Nam, rồi đạo diễn Cú và chim se sẻ, Saigon Yo (2010). Yêu đi, đừng sợ kể về Tùng, một ảo thuật gia gặp gỡ cô nàng bí ẩn trong ngõ nhỏ, nảy sinh chuyện tình hài hước, lãng mạn và pha chút kinh dị. Trước khi trở lại vai trò đạo diễn một dự án điện ảnh Việt, năm ngoái Stephane Gauger dựng phim kinh dị Cô hầu gái của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn.
Charlie Nguyễn đang hoàn thiện kịch bản remake cho Cú té trời tính-làm lại từ kịch bản phim Key of life của Nhật Bản. Phim xoay quanh cô y tá (Kaity Nguyễn) làm việc ở viện tâm thần, có động lực rất lớn tìm mọi cách hồi phục trí nhớ cho anh chàng bị tai nạn (Thái Hoà). Phim còn có sự góp mặt của Kathy Uyên và gương mặt
trẻ HuyMe.
Chuẩn bị ra rạp vào cuối tuần tới, Sắc đẹp ngàn cân không ngoại lệ là phim Việt gốc Hàn sản xuất năm 2006. Phim Hàn Quốc từng gặt hái thành công ở giải thưởng điện ảnh quốc gia này, nhạc phim gây ấn tượng với nhiều bản hit như Byul, Maria. Một tay quản lý và cô ca sĩ xinh đẹp nhưng có giọng hát dở tệ Jolie lên kế hoạch lợi dụng tài năng của nữ đồng nghiệp tên Hà My. Phát hiện âm mưu này, cô gái có ngoại hình xấu xí, mập ú Hà My nhờ tới bác sỹ thẩm mỹ để có vẻ ngoài xinh đẹp. Xem qua trailer, phiên bản Việt không khác xa kịch bản gốc là mấy. Phim do đạo diễn James Ngô thực hiện.
Xu thế?
Một số phim gần đây ra rạp cũng đánh dấu làn sóng phim remake (làm lại từ kịch bản ngoại) trỗi dậy như Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp. Trong số thể loại này, doanh thu cao bất ngờ của Em là bà nội của anh tạo cảm hứng cho giới làm phim nội nhắm tới kịch bản ngoại, đặc biệt từng thành công ở phòng vé. “Phim gốc thành công là điều thuận lợi để khán giả chú ý tới, nhưng nếu làm không hay sẽ khiến mọi người thất vọng”, đạo diễn Văn Công Viễn chia sẻ.
Đối với phim remake không ít đạo diễn chọn gần như “bê nguyên” kịch bản gốc vào phiên bản Việt hoá. Đạo diễn Charlie Nguyễn lý giải, có thể đạo diễn cảm thấy an tâm hơn khi giữ nguyên kịch bản gốc, tuy nhiên anh tiết lộ Cú té trời tính lại gần như khác xa với kịch bản gốc của Nhật. “Tôi thay đổi khá nhiều, từ một tình huống thay đổi sẽ kéo theo nhiều thứ khác. Tôi gần như viết lại toàn bộ kịch bản Cú té trời tính, tới mức nhà sản xuất nói rằng biết vậy khỏi cần mua bản quyền”, Charlie Nguyễn nói.
“Kịch bản gốc của Hàn Quốc mang hơi thở Hàn nên khi chuyển về Việt Nam cũng khó khăn, trăn trở như viết một kịch bản mới. Kịch bản hay luôn thiếu ở các nước chứ không riêng gì Việt Nam”, Văn Công Viễn nói. Thực tế, Bạn gái tôi là sếp làm lại từ kịch bản Thái Lan có vẻ không hái ra tiền, thành ra hầu hết các nhà làm phim vẫn chọn kịch bản Hàn Quốc cho lành. Trong số phim Việt gốc Hàn ngấp nghé ra rạp còn có Ông ngoại tuổi băm, Ngựa hoang lần lượt làm lại từ Speed Scandal và Sunny.
Các nhà làm phim không ngại lấy dẫn chứng trên thế giới, ngay cả kinh đô điện ảnh Hollywood cũng không ngại mua kịch bản làm lại. The Departed nổi tiếng của đạo diễn Martin Scorsese với Leonardo DiCaprio, Matt Damon và Mark Wahlberg chính là phiên bản làm lại kịch bản Infernal Affairs (Vô gian đạo) của Hong Kong, The next three days (Ba ngày để yêu, ba ngày để chết) làm lại kịch bản của Pháp, hay một loạt phim làm lại từ kịch bản Nhật: The Magnificent Seven (Bảy tay súng huyền thoại), The Ring (Vòng tròn tử thần), Ghost in the shell (Vỏ bọc ma), Godzilla. Năm 2008, đạo diễn Mỹ Yann Samuell cũng từng làm lại Cô nàng ngổ ngáo.
Số liệu từ Cục Điện ảnh cho thấy phim Việt Nam chiếm 25% thị phần do thiếu kịch bản hay, với 35 phim ra rạp một năm chưa phải nhiều nhưng kịch bản luôn thiếu và yếu. Một nhà phát hành phim thừa nhận, mua lại kịch bản ngoại là xu hướng tất yếu: “Số lượng phim mỗi năm đang được sản xuất nhiều hơn, trong khi chất lượng và cả số lượng kịch bản đáp ứng nhu cầu thị trường lại không nhiều. Do đó các nhà sản xuất chọn đi mua kịch bản nổi tiếng và phù hợp với điện ảnh Việt là lựa chọn tốt vào lúc này, vừa đảm bảo kịch bản phim từng được biết đến, cộng với chất lượng kịch bản cũng đã được bảo chứng. Giờ chỉ còn là việc của nhà sản xuất, đạo diễn làm sao để phim có được không khí Việt Nam nhất có thể”.