Phim truyện, phim tài liệu đều của đạo diễn!

Phim truyện, phim tài liệu đều của đạo diễn!
TP - Đạo diễn, T.S Hoàng Trần Doãn, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội phát biểu quanh vụ lùm xùm xét giải thưởng Nhà nước về Điện ảnh vừa qua.

Người nghệ sỹ cần biết tự đánh giá bản thân

Anh nói phim là của đạo diễn - kể cả phim tài liệu và phim truyện. Anh có thể nói rõ hơn?

Thật buồn cười vì giờ đây vẫn có người tranh luận ai là tác giả của tác phẩm điện ảnh.

Ngay từ khi bước chân vào ngành điện ảnh, chúng tôi đã được dạy “phim là của đạo diễn” hay nói cách khác “đạo diễn là tác giả của phim”. Phim hay thì đạo diễn được ngợi ca, tôn vinh; phim dở thì đạo diễn bị chê, phải chịu trách nhiệm mà không thể đổ lỗi cho ai, vì bất cứ điều gì. Giờ đây, chúng tôi vẫn truyền lại cho sinh viên nguyên tắc: Phim là của đạo diễn.

Trên generique của phim Pháp người ta viết Un film de. Phim Anh hay Mỹ người ta viết A film by trước tên của đạo diễn và đều được dịch ra tiếng Việt là Một phim của người đạo diễn được viết tên sau.

Charlie Chaplin làm nhiều phim hài, kịch bản do ông tự viết hay của người khác viết thì người ta nhắc đến ông với tư cách đạo diễn và diễn viên chứ không phải là biên kịch.

Trong điện ảnh Nga Xô viết, nhắc Khi đàn sếu bay qua (1957) người ta nhắc đạo diễn Kalatozov dù phim làm theo kịch bản của Rozov. Nhắc Grigori Chukhrai là người ta nói đến phim Bài ca người lính (1960) do ông làm đạo diễn hay ngược lại, mà chẳng phải ai cũng biết biên kịch của phim. Sergei Boldachuc làm phim Chiến tranh và hòa bình chuyển thể từ tiểu thuyết của đại văn hào Lev Tolstoy. Khi nhắc đến bộ phim này thì người ta nói S.Boldachuc là tác giả của phim chứ không ai nói tác giả là Lev Tolstoy cả!

Bộ phim No Country for Old Men (Không có đất cho người già) - Oscar năm 2007, do anh em nhà Coen viết kịch bản và làm đạo diễn. Kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả đoạt Giải Pulitzer Cormac McCarthy. Và bộ phim được giải Oscar này gắn với tên tuổi anh em nhà Coen với tư cách đạo diễn.

Với Việt Nam và với phim tài liệu cũng vậy mà thôi.

Vậy theo anh, đạo diễn Nguyễn Thước dự giải thưởng Nhà nước với cụm 3 phim tài liệu “Những công dân @”, “Sự nhọc nhằn của cát”, “Chất Xám” là đúng hay sai?

Hoàn toàn đúng. Nhưng cụm phim này có giúp anh giành giải không lại là việc khác, nó phụ thuộc vào sự đánh giá chất lượng của Hội đồng xét duyệt.

Với quyết định của Hội đồng cấp Bộ, có thể hiểu Nguyễn Thước đã bị loại khỏi giải, vì Bộ cho rằng 3 phim anh Thước dự giải thuộc diện tranh chấp về tác quyền. Anh có bình luận gì về điều này?

Ở đây tôi không nói việc anh Thước có bị loại ra khỏi giải hay không. Cũng không nói tới sự thiếu nhất quán của các khái niệm được sử dụng trong các thông tư, thông báo, công văn của Hội đồng xét giải thưởng Nhà nước (lúc thì xét với tư cách tác giả, lúc thì tư cách tác phẩm). Tôi chỉ muốn bàn luận về động thái của Hội đồng cấp Bộ này khi giải quyết những vướng mắc.

Thứ nhất, việc yêu cầu anh Thước lấy sự đồng thuận của những người khác e rằng không đúng. Vì như thế mặc nhiên Hội đồng đã coi cụm ba phim trên đồng tác giả (tức đồng đạo diễn), mà sự thực không phải là như vậy. Chỉ Nguyễn Thước là đạo diễn và cũng là tác giả duy nhất của phim.

Thứ hai, theo chủ quan của tôi, nếu là một hội đồng có năng lực và có trách nhiệm, khi có những sự việc xảy ra như chuyện hai chị Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư khiếu nại anh Nguyễn Thước thì hội đồng phải chủ động đứng ra giải quyết trên nguyên tắc quy định nghề nghiệp và quy định hoạt động của Hội đồng do Nhà nước ủy quyền.

Chỉ có sự dũng cảm, dám đứng ra nhận trách nhiệm và giải quyết có tình có lý trên các nguyên tắc đúng thì mới có thể làm cho người ta tâm phục, khẩu phục. Đằng này lại giao cho hội đồng cấp dưới (Hội Điện ảnh Việt Nam) tự giải quyết rồi báo cáo kết quả cho mình thì chỉ làm sự việc rối thêm và xấu đi mà thôi.

Điều này tạo tiền lệ xấu cho những hoạt động sau này của Hội đồng xét giải thưởng cấp Bộ. Còn nguyên tắc phân xử trách nhiệm của các thành phần sáng tác tác phẩm điện ảnh thì đã có rồi, cứ thế mà áp dụng. Nếu không nắm được thì tìm chuyên viên điện ảnh mà hỏi. Đơn giản và cũng chẳng có gì là khó, miễn là có tâm và có tầm.

Theo anh, có khó lắm không để nhận ra ai đó đạo phim, ăn cắp ý tưởng của người khác?

Việc sáng tạo trên ý tưởng của người khác trên thế giới từ đông sang tây, từ kim chí cổ đều có. Chuyện dân gian Nga Nấu cháo bằng rìu ca ngợi sự thông minh của anh lính khi biết sử dụng những thứ của người khác thành của mình một cách thông minh là ví dụ.

Ý tưởng là cái rất quý, nhưng nếu không có người thực hiện nó, biến nó thành hiện thực thì nó vẫn mãi chỉ là ý tưởng và không chút giá trị. Vậy theo tôi, nếu ý tưởng của mình được người khác sử dụng để thành sản phẩm có ích cho xã hội thì có sao. Nhưng nếu là người đàng hoàng thì nên công khai việc sử dụng ý tưởng, kiến thức hay chất xám của người khác.

Nhân đây, tôi nhớ có một thời, anh em chúng tôi hay ngồi “xi - nê mồm” với nhau về những ý tưởng làm phim; và người hay chiếu phim mồm cho chúng tôi nhất là NSƯT, đạo diễn Hữu Phần. Thời đạo diễn Thanh An còn làm ở Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương, ông cũng hay “xi - nê mồm” cho anh em nghe. Đạo diễn Trần Văn Thủy có lần nói với nhà quay phim Đỗ Khánh Toàn, đại ý rằng cứ mang máy ghi âm hay ghi chép lại lời ông An là có đề tài, có kịch bản mà làm.

Anh có vẻ bức xúc khi nói “chán với nhân tình thế thái và giới điện ảnh”?

Có ai không chán khi chỉ vì một miếng giữa làng mà người ta nỡ cư xử với nhau như vậy? Tôi nhớ câu hát của Trịnh Công Sơn sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Anh em nghệ sĩ cũng hay nói Nghệ sĩ cần có một tấm lòng.

Và tôi nhớ câu cửa miệng của nhân vật trong tiểu phẩm “Nói nhiều” của nghệ sĩ Đức Khuê: Đời phải biết mình là ai!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG