Doanh thu bóp nghẹt đề tài
Nhà lý luận phê bình điện ảnh Tô Hoàng, thành viên ban giám khảo phim truyện dự thi Liên hoan phim lần thứ XX cho hay, 16 phim tham dự lần này đều là phim tư nhân, đó là tín hiệu tốt và lạc quan về điện ảnh, nhưng đặt ra một thực tế rất đáng suy ngẫm. “Một số phim bắt chước đề tài của nước ngoài, “remake” (làm lại), đặc biệt các nhà làm phim tư nhân tuân thủ quy tắc bất thành văn lựa chọn đề tài sex, đồng tính, bạo lực, tiền… để hút khán giả. Nếu không thuộc những đề tài này thì chẳng ai xem, như vậy rủi ro doanh thu của nhà làm phim khó tránh khỏi”.
Đạo diễn Đức Thịnh nêu thực tế mỗi năm trên dưới 50 phim ra rạp, các phim đều mang đậm tính giải trí để phục vụ khán giả trẻ. Điều đó kéo theo vấn nạn nhàm chán về đề tài, quanh đi quẩn lại cũng sex, bạo lực, đồng tính… “Mấy năm gần đây có vài phim thay đổi đề tài nhưng chỉ ở mức “gãi ngứa”. Tại sao? Vì tính rủi ro doanh thu rất cao cho những phim như vậy. Các nhà đầu tư rất e ngại trước dự án có đề tài ít tính giải trí, khó bán vé dù câu chuyện, kịch bản hay đến mấy!”, anh nói. Anh cho rằng chính việc ở trong môi trường an toàn này đã làm mất cơ hội chào đời những bộ phim có tính xã hội cao, có cái nhìn chân - thiện- mỹ, tăng bản sắc dân tộc và hội nhập với điện ảnh quốc tế. “Phải có sự tiếp sức, bảo trợ của các đơn vị hữu quan để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, sản xuất khi họ dám đổi mới đề tài. Dự án nào được Cục Điện ảnh thẩm định đề tài hay, mang tính xã hội, nên có hình thức bảo trợ cụ thể. Chẳng hạn khi công chiếu tại các cụm rạp nên tính tỉ lệ ăn chia khác so với các thể loại giải trí, để san sẻ rủi ro doanh thu”, anh đề xuất.
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc lấy dẫn chứng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, phim không có chân dài, không đồng tính, không kinh dị, không hài nhảm… và đạt giải Bông sen Vàng tại liên hoan trước. Điều đáng nói ở đây, bộ phim được sản xuất bằng tiền ngân sách. Ông đặt câu hỏi: phải chăng chính điều đó đã khiến những người làm phim không bị áp lực đồng tiền, yên tâm sáng tạo đến tận cùng?
Chiến tranh là mỏ vàng của phim tài liệu?
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ tại hội thảo, khi nhắc đến phim tài liệu, người ta cứ mặc định đó là phim chiến tranh. Thậm chí có người còn hỏi bà: Có phải chiến tranh là mỏ vàng của những người làm phim tài liệu hay không? “Chiến tranh là lịch sử đất nước chúng ta, nhưng cứ nhìn quá khứ qua lăng kính duy nhất thì không có sự đột phá nào, quá nhàm chán!”, bà thẳng thắn. Ở một góc độ khác, nữ đạo diễn cho hay gần đây phim tài liệu của Mỹ “Vietnam war” khiến người xem Việt Nam náo nức, điều đó khiến những người làm phim Việt Nam đặt ra câu hỏi tại sao? Bà cũng nói thêm ngoài chiến tranh, cuộc sống đầy màu sắc, đầy vấn đề cần được phim tài liệu khai phá.
Trong khi phim truyện thu hút các hãng phim tư nhân, thì phim tài liệu “kén” nhà làm phim độc lập gửi tác phẩm tham gia liên hoan lần này. Theo nữ đạo diễn, điều đó làm thiếu hẳn tính mới mẻ, mạo hiểm, thậm chí liều lĩnh trong cách kể chuyện, góc nhìn độc đáo của những nhà làm phim tự do. Đó là yếu tố mà phim tài liệu rất cần. Bà cũng chỉ ra 10 năm gần đây, điện ảnh tài liệu có thêm sự xuất hiện của nhà làm phim độc lập, họ không bị gò bó về đề tài, cách thể hiện nhưng lại vô cùng khó khăn về tài chính. Để phim tài liệu độc lập hòa vào dòng chảy chính, cần cởi bỏ các định kiến, kêu gọi nhà làm phim tư nhân tham gia Liên hoan phim Việt Nam, trao giải cho những tác phẩm sáng tạo, mới mẻ, vinh danh sự can đảm và dấn thân của họ.
Ở thể loại phim hoạt hình, NSND Hà Bắc cho hay, thời kỳ đất nước khó khăn, kỹ thuật yếu, công nghệ thô sơ song chất lượng nghệ thuật phim hoạt hình cổ điển rất cao. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu như: Con sáo biết nói, con khỉ lạc loài, Sơn Tinh Thủy Tinh… Còn hiện nay, trong thời đại công nghệ số, mọi thứ đều thuận lợi, nâng cao thì chất lượng nghệ thuật lại không còn như xưa. Mặt khác, nội dung phim hoạt hình phục vụ trẻ nhỏ, mang tính giáo huấn, răn dạy theo một chiều, dẫn đến sự bế tắc trong việc hòa nhập kinh tế thị trường, phong cách phim.
Theo ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia, để Liên hoan phim góp phần phát triển sự nghiệp điện ảnh và ghi dấu với khán giả, thì tuần phim bên lề cần chiếu ở nhiều nơi hơn nữa. Các rạp chiếu phải chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo phục vụ tốt.