Philippines tố Trung Quốc hoạt động bất thường ở biển Đông

Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến sát để uy hiếp tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough ngày 12/6. Ảnh: Philstar.
Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến sát để uy hiếp tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough ngày 12/6. Ảnh: Philstar.
TP - Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp diễn ra tại Lào, Philippines hôm qua bày tỏ lo ngại sâu sắc và yêu cầu đại sứ Trung Quốc giải thích việc ngày càng nhiều tàu Trung Quốc hiện diện tại bãi cạn Scarborough tranh chấp trên biển Đông.

Một máy bay của không quân Philippines khi bay trên bãi cạn Scarborough hôm 3/9 phát hiện số lượng tàu Trung Quốc nhiều bất thường ở khu vực này, nơi Trung Quốc duy trì hiện diện từ khi chiếm được năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo.

“Có 4 tàu hải cảnh và 6 tàu khác của Trung Quốc, trong đó có cả những xà lan màu xanh, quanh bãi cạn Scarborough”, ông Lorenzana nhắn tin cho các phóng viên. “Sự hiện diện của nhiều loại tàu thay vì chỉ loại tàu của lực lượng hải cảnh ở khu vực này gây ra lo ngại sâu sắc”, Reuters dẫn lời ông Lorenzana. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa bình luận gì về thông tin này.

Dù chỉ là một bãi cạn với một vài tảng đá nổi trên mặt biển nhưng Scarborough có vai trò quan trọng đối với Philippines vì khu vực này biển lặng và giàu tài nguyên hải sản. Philippines nói rằng, việc Trung Quốc chặn các tàu cá Philippines vào khu vực này đánh bắt là vi phạm luật pháp quốc tế. Tranh chấp này thu hút chú ý nhiều hơn từ khi Tòa Trọng tài quốc tế hôm 12/7 xác định rằng, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5/2012.

Tòa Trọng tài cũng xác định rằng, tại khu vực Scarborough, các tàu chấp pháp của Trung Quốc từng liên tiếp tiếp cận tàu Philippines với tốc độ cao và cố gắng cắt đầu các tàu này ở khoảng cách gần, tạo ra nguy cơ đâm va cao và nguy hiểm cho tàu và người của Philippines. Tòa Trọng tài kết luận, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước về quy định quốc tế để ngăn ngừa va chạm trên biển 1972 và Điều 94 của Công ước liên quan an toàn hàng hải.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn một mực không thừa nhận phán quyết của tòa và tố cáo mới nhất từ Philippines có thể gây xáo trộn trước thềm hai hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào bắt đầu từ ngày mai, nơi lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp nhau. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết sẽ không nêu vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Ông muốn một con đường dẫn đến đàm phán song phương êm đềm hơn với Bắc Kinh và gần đây đã cử đặc phái viên sang gặp đại diện Trung Quốc tại Hong Kong.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nói rằng, Bắc Kinh đầu năm nay đã đưa xà lan nạo vét đến Scarborough nhưng đến nay chưa có dấu hiệu cải tạo, bồi đắp ở đây. “Chúng tôi chưa biết những xà lan đó có phải dấu hiệu cho những hoạt động nạo vét trong tương lai hay không. Nếu họ cố xây gì đó ở Scarborough thì sẽ gây ra tác động tiêu cực lâu dài đối với tình hình an ninh”, ông Lorenzana nói.

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 (khai mạc ngày 4/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc), Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Bắc Kinh tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý và nhấn mạnh những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh khu vực, CNN đưa tin. Tổng thống Mỹ mô tả cuộc hội đàm này là “cực kỳ năng suất” nhưng không thể đưa hai bên xích lại gần nhau trong những chủ đề gai góc như căng thẳng trên biển Đông.

ASEAN, Trung Quốc đồng ý quy tắc tránh va chạm trên biển

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ lập đường dây nóng và chấp nhận các giao thức trao đổi liên lạc để tránh xảy ra xung đột hải quân tại khu vực tranh chấp ở biển Đông. Các giao thức này sẽ được ký kết tại Lào trong tuần này, khi các lãnh đạo Asean gặp lãnh đạo các cường quốc khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Nga và Mỹ, trong hai cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày.

Các giao thức được gọi là Bộ quy tắc tránh va chạm không mong muốn trên biển; chúng mới đối với cả ASEAN và Trung Quốc, AP dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Helen de la Vega cho biết tại một cuộc họp báo. “Đó là một cách xuống thang căng thẳng trên biển Đông”, bà Vega nói. Bà cũng cho biết đường dây nóng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng sẽ được thành lập trong dịp này.

“Điều này rất quan trọng vì bất kỳ sự vụ nào có nguy cơ dẫn đến đối đầu cũng sẽ tránh được nếu các lực lượng hải quân và cảnh sát biển trao đổi với nhau”, một chỉ huy cấp cao của Hải quân Philippines bình luận.

Vị này cho biết có nhiều tình huống trước đây khi các tàu Trung Quốc không phản hồi trao đổi bằng tín hiệu hay radio khi họ chạm trán với tàu của Hải quân Philippines. Dù có thỏa thuận này, Mỹ, Nhật Bản và Úc dự kiến vẫn sẽ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài trong dịp hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra trong tuần này tại Lào.

MỚI - NÓNG