Philippines tìm kiếm tiếng nói ASEAN về biển Đông

Ảnh vệ tinh mới nhất về đường băng Trung Quốc đang xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam .Ảnh: IHS
Ảnh vệ tinh mới nhất về đường băng Trung Quốc đang xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam .Ảnh: IHS
TP - Tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tuần tới tại Malaysia, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III sẽ nhấn mạnh việc Trung Quốc cải tạo quy mô lớn một cách trái phép trên biển Đông, BBC đưa tin ngày 20/4.

BBC  dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Philippines phụ trách ASEAN, ông Luis Cruzz, nói rằng, Tổng thống Aquino sẽ nêu vấn đề tranh chấp biển trong phiên họp của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN. Các nhà lãnh đạo sẽ thể hiện quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm vấn đề biển Đông. Ông Cruz nói rằng, các nhà lãnh đạo sẽ không đàm phán trong hội nghị lần này, nhưng Philippines sẽ tìm kiếm một tuyên bố chung mạnh mẽ để lên án các hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Báo Philstar của Philippines ngày 20/4 dẫn lời tướng Gregorio Catapang, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, nói rằng, quân đội Philippines hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của chính phủ nước này trong việc phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Tuyên bố của ông Catapang được đưa ra trong cuộc họp báo trước khi Philippines và Mỹ  khởi động đợt tập trận chung quy mô lớn. Đợt tập trận Balikatan năm nay có sự tham gia của 11.000 sĩ quan và binh lính, quy mô lớn nhất trong 15 năm qua. Mỹ cử 6.650 quân nhân, 76 máy bay và 3 tàu, còn Philippines gửi 5.000 lính, 13 máy bay và 1 tàu, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin.

Trong buổi họp báo, tướng Catapang nói: “Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước tốc độ cải tạo của Trung Quốc. Quá nhanh nhưng tôi hy vọng nó không nguy hiểm”. Ông Catapang bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo trên biển Đông. “Ngay khi cải tạo xong đá Vành Khăn và khi tất cả công việc cải tạo hoàn thành, bước đi tiếp theo của Trung Quốc có thể sẽ khác, gây ra nhiều khó khăn. Họ có thể đưa rất nhiều tàu đến đó. Điều đó sẽ thực sự quân sự hóa khu vực và gây ra căng thẳng”, tướng Catapang nói.

Ngoài ra, ngư dân Philippines không thể vào khu vực được coi là vùng đánh bắt truyền thống của họ quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ năm 2012, khi các tàu hải giám Trung Quốc ngăn cản Hải quân Philippines bắt những người Trung Quốc đánh bắt các loài động vật biển hiếm ở khu vực này. Báo chí Philippines dẫn lời các ngư dân Philippines nói rằng, họ bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi khỏi vùng biển ngoài khơi tỉnh Zambales hôm 9/4.

Hội nghị Bộ trưởng Á - Phi nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Á-Phi khai mạc hôm qua tại Indonesia, đại diện hơn 90 nước thành viên cho rằng, để có hòa bình, ổn định cho phát triển, các quốc gia cần tuân thủ các nguyên tắc Bandung 1955. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, trưởng đoàn Việt Nam, nhất trí về sự cần thiết phải bảo vệ các nguyên tắc Bandung, đặc biệt là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực, không gây sức ép, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp luật pháp quốc tế. Thứ trưởng Ngọc đề xuất tăng cường kết nối và bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không để thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai khu vực, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác song phương, ba bên, liên tiểu vùng giữa Việt Nam và các nước châu Phi. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.