Phiến quân Iraq tung clip chặt đầu nhà báo Mỹ

Nhà báo Mỹ James Foley trong clip chặt đầu không đề ngày tháng vừa được đưa lên mạng xã hội. Ảnh: CBS News
Nhà báo Mỹ James Foley trong clip chặt đầu không đề ngày tháng vừa được đưa lên mạng xã hội. Ảnh: CBS News
TP - Lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Iraq hôm 19/8 tung đoạn phim ghi lại cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley và hình ảnh một nhà báo khác của Mỹ đang bị đe dọa tính mạng.

Động thái nhằm gửi đi thông điệp rằng mạng sống của họ phụ thuộc vào cách Mỹ hành động tại Iraq. Đoạn phim mang tên “Thông điệp gửi đến người Mỹ” bày ra trước mắt Tổng thống Mỹ Barack Obama những lựa chọn ảm đạm, có thể ảnh hưởng bước hành động tiếp theo của Mỹ tại Iraq, CNN đưa tin.

Các nhà quan sát cho rằng, đoạn phim là yếu tố bất ngờ, sẽ ảnh hưởng quyết định của ông Obama về việc chiến dịch không kích của Mỹ chống lại phiến quân Iraq sẽ đi xa đến đâu.

Thông điệp rùng rợn mà đoạn phim đưa ra rõ ràng là để cảnh báo sẽ trả đũa người Mỹ nhiều hơn sau gần 2 tuần Mỹ không kích phá tan nhiều vị trí quân sự và chặn đứng đà chiến thắng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Trước đó, lực lượng này đã chiếm được 1/3 Iraq và vấp phải rất ít kháng cự. 

Nhà báo Foley (40 tuổi) bị các tay súng bắt cóc vào ngày 22/11/2012 ở miền bắc Syria khi đang trên đường tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trang tin điện tử GlobalPost (Mỹ) cho biết. Ông Foley là phóng viên tự do của GlobalPost và đã phụ trách khu vực Trung Đông 5 năm trước khi bị bắt cóc. Trước đó, ông Foley từng bị bắt cóc rồi được thả ở Libya. Ông Steven Sotloff, người xuất hiện cuối đoạn phim chặt đầu, mất tích ở miền bắc Syria trong khi đang đi tác nghiệp vào tháng 7/2013. Ông Sotloff làm việc cho tạp chí Time (Mỹ) và một số báo khác. 

Mẹ nhà báo Foley, bà Diane Foley, vừa gửi thông điệp trên trang facebook của con trai: “Chúng tôi tự hào về con trai mình. Nó đã hy sinh cuộc đời mình trong nỗ lực phơi bày cho cả thế giới thấy nỗi khổ của người dân Syria. Chúng tôi khẩn cầu những kẻ bắt cóc hãy bảo toàn mạng sống cho những con tin còn lại. Cũng như Jim (tên thân mật của nhà báo Foley), họ vô tội.

Họ không có quyền ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ Mỹ ở Iraq, Syria hay bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo trước đây chưa từng hành hình công khai công dân Mỹ. Clip chặt đầu được đăng tải sau khi Mỹ khôi phục chiến dịch không kích tại Iraq lần đầu tiên kể từ khi rút khỏi Iraq vào năm 2011. 

Học giả Larry Sabato ở Đại học Virginia (Mỹ) cho rằng, vụ Foley giống vụ chặt đầu nhà báo Mỹ Daniel Pearl do thủ lĩnh al-Qaeda Khalid Sheik Mohammed tiến hành năm 2002. Theo học giả này, vụ việc có thể nâng cao nhận thức của người dân Mỹ rằng, nước Mỹ sẽ phải tích cực hơn trong việc đối phó lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo. 

Hôm 19/8, lực lượng này cũng tung ra clip thể hiện những dấu hiệu mạnh mẽ nhất rằng, họ đang nỗ lực tấn công các mục tiêu Mỹ. Đoạn phim có chủ đề “bẻ gãy cây thập tự Mỹ” ca ngợi Nhà nước Hồi giáo sẽ chiến thắng lực lượng “thập tự chinh” Mỹ. Đoạn phim trước đó 1 ngày cảnh báo sẽ tấn công Mỹ nếu Washington không kích các tay súng ở Iraq và Syria. 

Ngày 20/8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng, trong clip chặt đầu, kẻ hành quyết đeo mặt nạ nói giọng Anh nên dường như là người Anh, The Telegraph đưa tin. “Nhiều công dân Anh đang ở Iraq và Syria. Nếu họ tìm cách trở về Anh với những gì học được từ các tổ chức khủng bố thì đó là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia”, ông nói. Hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo, tháng sau, ông sẽ sắp xếp một hội nghị quốc tế về mối đe dọa của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq.

Hai năm nay, Syria là nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Ít nhất 69 nhà báo đã bị giết hại trong lúc tác nghiệp ở đây. Hơn 80 nhà báo bị bắt cóc ở Syria, với nhiều vụ không được thông tin công khai nên khó xác định con số chính xác là bao nhiêu.

MỚI - NÓNG