Từng bị coi là ngớ ngẩn
“Cam Vinh này vỏ láng mịn chứ không sần sùi, khác hẳn với cam Vinh bán ở chợ lẻ”; “Vị trái ổi này giống hồi nhỏ nhà ngoại em có trồng quá, nó là giống mới phải không anh”… là những câu hỏi của khách hàng trong buổi gặp gỡ nông dân tại một cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở quận 2, TPHCM. Giải đáp các thắc mắc đó không phải nhân viên bán hàng, mà chính là người làm ra sản phẩm. Vui vẻ mời khách dùng thử cam do mình ngày đêm chăm bón theo phương pháp “nói không với hóa chất”, chị Trần Thị Tuyến (32 tuổi) - chủ vườn cam Vinh sinh thái Nghệ An nói rằng, chị có sở thích trồng trọt từ bé, nhưng không ngờ có ngày lại trở thành nông dân chính hiệu.
“Cách đây 3 năm, vợ chồng mình quyết định bỏ việc ở TPHCM về quê làm nông. Tụi mình mua 2ha đất vườn và dọn vào ở hẳn để tiện chăm sóc vườn cam. Thời gian đầu vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Điện không có nên hai đứa rất ít dám dùng điện thoại, chưa kể rắn rết khá nhiều… Chịu khó suốt hơn năm đầu tiên, khi mọi chuyện đã dần quen cũng là lúc cây bắt đầu cho quả”, chị kể.
Ngay thời điểm bắt tay trồng trọt, vợ chồng chị đã đi theo hướng thuận tự nhiên. “Những người xung quanh thấy cách trồng của mình rất khác nên cho rằng ngớ ngẩn.
Phiên chợ hữu cơ độc đáo trên tầng 1 của một quán cà phê ở quận 1, TPHCM có gần 20 gian hàng đều là đứa con tinh thần của nông dân thế hệ 8X, 9X. Không khí rộn ràng bởi người bán nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi của khách, người mua không chỉ có thêm nhiều hiểu biết về rau trái, mà còn thỏa thuê thưởng thức miễn phí các sản phẩm mới lạ, sản xuất đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mời khách dùng thử các loại bột rau lạ mà quen như rau má, tía tô, diếp cá, chị Nguyễn Ngọc Hương (31 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt kể cho họ nghe câu chuyện nghiện bột rau của mình. “Rau má được nhiều người sử dụng như một loại thức uống giải nhiệt, nhưng ít ai biết rằng, nếu uống sống sẽ có nhiều tạp chất, vi khuẩn; chưa kể rau nếu trồng nơi không đảm bảo vệ sinh còn có nhiều loại ký sinh trên thân lá. Vì vậy, mình quyết định thuê đất trồng rau sạch, chế biến thành bột rau, chứ không dùng tươi như trước. Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe người dùng; bảo quản sản phẩm lâu dài và quan trọng hơn là có thể xuất khẩu sản phẩm”, chị nói.
Chị Lưu Thị Trang, Giám đốc công ty TNHH SX-TM-DV Nông Gia nói: “Mình rất muốn gặp gỡ khách hàng để chia sẻ những câu chuyện về nông nghiệp sạch. Khách hàng vui vì biết rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; còn người bán lại mừng vì có thêm một tín đồ của thực phẩm sạch”.
Chữ “tâm” hàng đầu
Những ngày gần đây, trong chiếc công-ten-nơ màu xanh trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) là một cửa hàng mang tên siêu thị của nông dân đặc biệt thu hút khách. Ở đây có đủ sản phẩm vùng miền như cam Canh, bưởi da xanh Măng Đen, bắp Nữ Hoàng…
Lập dự án này là ông Nguyễn Tuấn Khởi - người đã phát động nhiều chiến dịch giải cứu chuối, dưa hấu, khoai lang trước đây. Sau những lần giải cứu, ông Khởi quyết định kết nối nông dân, hướng dẫn họ sản xuất sạch, an toàn và giải quyết đầu ra cho nông sản. Theo đó, những loại nông sản được bán tại “siêu thị” này đều được ông đến tận vườn kiểm tra, kết nối, đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn sức khỏe người dùng.
Đối với người làm nông nghiệp hữu cơ, đó là cuộc chơi tốn kém và muôn vàn khó khăn, nhưng đã dấn thân thì không bỏ cuộc. Ông Trần Phong Lan, Chủ tịch Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hải Âu, nổi lên trong giới làm nông sản hữu cơ với trái dưa lưới đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản. Ông nói rằng, phải mất ba năm miệt mài trồng và gặp nhiều thiệt hại mới có trái dưa tiêu chuẩn hữu cơ này. Có những lúc gặp dịch sâu bệnh (nhện đỏ), đội ngũ nhân viên, cán bộ kỹ thuật công ty phải thể nghiệm rất nhiều phương án chữa, quyết không dùng hóa chất.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An từng trải qua thời gian dài khó khăn khi sản xuất gạo hữu cơ. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty, kể rằng, vì quá mê làm gạo sạch mà năm 2005 đã mua 800ha đất rừng tràm để làm lúa hữu cơ. Thế nhưng, sức người cũng có hạn nên ông mới khai phá được 100ha làm lúa hữu cơ, số còn lại ông làm lúa theo tiêu chuẩn Global GAP và Viet Gap.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là ở đô thị, về các sản phẩm hữu cơ hay đạt tiêu chuẩn quốc tế tăng lên đáng kể. Vì vậy, việc tạo ra những không gian tin cậy cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm khi có thêm nhiều sản phẩm tốt cũng là một cách hỗ trợ, thúc đẩy nhà sản xuất trong nước.