Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Reuters |
Các phong trào đối lập ở Thái Lan đã bắt đầu tạo áp lực buộc Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phải từ chức. Nhóm này đã nộp đơn đề nghị lên Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai vào tuần trước, và lá đơn sẽ được chuyển đến tòa án hôm nay, 22/8.
Trong khi đó, một nguồn tin từ đảng Pheu Thai cho biết Tòa án Hiến pháp dự kiến sẽ ra quyết định về việc có chấp nhận đơn đề nghị hay không vào ngày 24/8. Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan cũng đang thảo luận việc yêu cầu tòa án phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ của ông Prayut.
Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Prayut từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ của mình vì muốn để tòa án quyết định. Ông sẽ chấp nhận quyết định của tòa án.
Thanh tra viên trước đó đã bác bỏ đơn đề nghị của nhà hoạt động Srisuwan Janya để yêu cầu tòa án phán quyết về nhiệm kỳ 8 năm của ông Prayut, với lý do nhà hoạt động không có thẩm quyền yêu cầu tòa án giải thích về vấn đề này, nhưng EC thì có.
Mục 158 của Hiến pháp Thái lan giới hạn nhiệm kỳ của một thủ tướng là tám năm, nhưng có nhiều bất đồng về thời điểm nhiệm kỳ của ông Prayut chính thức bắt đầu.
Một số ý kiến cho rằng nhiệm kỳ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nên được tính từ khi ông nắm quyền năm 2014 sau cuộc đảo chính, do đó sẽ kết thúc vào năm 2022. Trong khi số khác cho rằng nhiệm kỳ nên tính từ khi ông được chính thức bổ nhiệm sau cuộc bầu cử năm 2019, do đó sẽ kết thúc vào năm 2027.
Cuối tuần qua, hơn 38 tổ chức cũng lên tiếng đòi ông Prayut từ chức. Theo các nhóm này, sau ngày 24/8, dù ông Prayut từ chức hay không và phán quyết của tòa thế nào, thì ông “cũng không còn được công nhận là thủ tướng”.
Lãnh đạo đảng Pheu Thai – ông Cholnan Srikaew kêu gọi Thủ tướng Prayut từ chức vào ngày mai vì ông tin rằng nhiệm kỳ của ông Prayut sẽ chính thức kết thúc vào thứ Tư (24/8). Việc từ chức của Thủ tướng sẽ giúp xoa dịu căng thẳng chính trị.