THẾ GIỚI 24H: Thủ tướng Thái Lan bị phạt tiền vì không đeo khẩu trang

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Thái Lan không đeo khẩu trang khi dự họp.
Thủ tướng Thái Lan không đeo khẩu trang khi dự họp.
TPO - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bị phạt 6.000 bath (hơn 4,3 triệu đồng) vì không đeo khẩu trang khi dự một cuộc họp ở Bangkok.

“Tôi đã thông báo cho Thủ tướng rằng việc đó vi phạm quy định phòng dịch”, Thống đốc Bankok Aswin Kwanmuang viết trên trang Facebook cá nhân hôm 26/4 và nói thêm rằng Thủ tướng Thái Lan đồng ý đóng mức phạt trên. Quyết định phạt được đưa ra không lâu sau khi trang Facebook cá nhân của ông Prayuth Chan-ocha đăng tải hình ảnh chụp lại cuộc họp giữa Thủ tướng Thái Lan với các cố vấn. Trong bức ảnh, các quan chức đều đeo khẩu trang, riêng Thủ tướng Thái Lan không đeo. Bức ảnh này sau đó bị gỡ bỏ. Thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh tại Thái Lan quyết định phạt nặng người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, bắt đầu từ 26/4. Ngày 26/4, Thái Lan ghi nhận 2.048 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên 57.508 trường hợp. Riêng Bangkok ghi nhận 901 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

Ngày 26/4, Ủy ban châu Âu thông báo khởi kiện hãng dược phẩm AstraZeneca do không tôn trọng hợp đồng cung cấp vaccine COVID-19. Thông báo nhấn mạnh, 27 nước thành viên đều hoàn toàn ủng hộ quyết định khởi kiện.Theo hợp đồng, công ty AstraZeneca có nghĩa vụ cung cấp 180 triệu liều vaccine COVID-19 cho Liên minh châu Âu trong quý 2 năm nay trong tổng số 300 triệu liều theo kế hoạch 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, vào tháng trước, công ty AstraZeneca thông báo chỉ cung cấp 1/3 số vaccine đã cam kết.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 26/4 tuyên bố tình hình Ấn Độ, nơi số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng đột biến, là "vô cùng thương tâm" và WHO sẽ triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho Ấn Độ để trợ giúp chiến đấu chống đại dịch. Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "WHO đang làm mọi điều trong khả năng của mình, cung cấp thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động được lắp đặt sẵn cũng như vật tư phòng thí nghiệm." Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO tới hỗ trợ Ấn Độ chống đại dịch COVID-19.

Nhà chức trách vùng Veneto ở miền Bắc Italy ngày 26/4 thông báo vùng này vừa ghi nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất phát từ Ấn Độ. Chủ tịch vùng Veneto, ông Luca Zaia xác nhận 2 trường hợp vừa được phát hiện là hai cha con gốc Ấn Độ sống ở thành phố Bassano del Grappa thuộc tỉnh Vicenza và vừa từ Ấn Độ trở về Italy thời gian gần đây.

Bộ Ngoại giao Rumani cho biết sẽ trục xuất một nhà ngoại giao Nga khỏi nước này. Động thái của Rumani được coi là một sự khẳng định ủng hộ tình đoàn kết với Czech, quốc gia đang có căng thẳng ngoại giao với Nga liên quan đến vụ nổ kho đạn ở Vrbetice, Czech vào năm 2014. Theo đó, Bộ Ngoại giao Rumani đã triệu tập Đại sứ Nga tại Rumani và thông báo về việc trục xuất một cán bộ ngoại giao của Nga với cáo buộc Nga đã vi phạm công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao. Nhà ngoại giao của Nga ở Rumani sẽ phải về nước là Phó Tùy viên Quân sự Nga Alexei Grishayev.

Ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Ukraine để trả đũa việc nước này đầu tháng 4/2021 đã trục xuất một nhà ngoại giao Nga. Đầu tháng 4, sau khi Nga cáo buộc một nhân viên lãnh sự quán Ukraine tại St. Petersburg cố tình đánh cắp thông tin mật, cả Nga và Ukraine, mỗi bên đã trục xuất một nhà ngoại giao của nhau.

Ủy ban châu Âu ngày 26/4 cho biết Liên minh châu Âu và các quan chức chính quyền Mỹ đã bắt đầu thảo luận về việc công nhận các chứng nhận tiêm vaccine và xét nghiệm của nhau để có thể mở cửa đón khách du lịch Mỹ đến châu Âu trong hè này. Thông tin trong buổi họp báo chiều ngày 26/04 tại trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, Adalbert Jahnz cho biết Liên minh châu Âu đang theo dõi sát sao chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ và với tốc độ triển khai rất nhanh hiện nay tại Mỹ, Liên minh châu Âu sẽ lên kế hoạch gỡ bỏ lệnh cấm đi lại với Mỹ, cho phép các du khách Mỹ đã tiêm vaccine được nhập cảnh châu Âu trong mùa du lịch Hè năm nay.

Nhà Trắng ngày 26/4 thông báo Mỹ sẽ bắt đầu chia sẻ khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca từ nguồn dự trữ của mình cho các nước khác. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 26/4 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm hiểu cách thức chia sẻ vaccine AstraZeneca trong những tháng tới. Theo bà Psaki, vaccine AstraZeneca chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ và nước này chưa cần tới loại vaccine này trong thời gian tới. Bà Psaki cũng cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ sẽ xác nhận độ an toàn của vaccine AstraZeneca trước khi được chuyển sang các nước khác.

Ngày 26/4, Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020 thông báo sẽ nỗ lực đảm bảo triển khai 500 nhân viên y tế phục vụ cho công tác chăm sóc y tế trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao toàn cầu mùa Hè này. Đảm bảo đủ bác sỹ và y tá cho Thế vận hội Tokyo là một thách thức lớn đối với ban tổ chức khi hệ thống y tế của Nhật Bản đang chịu áp lực do số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mạnh. Yêu cầu đã được gửi tới Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản.

MỚI - NÓNG