Châu Âu hết muốn căng với Nga?

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống CH Séc Miloš Zeman trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 26/4. Ảnh: Jiří Ovčáček
Tổng thống CH Séc Miloš Zeman trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 26/4. Ảnh: Jiří Ovčáček
TP - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo không nên đối đầu mà cần tiếp tục đối thoại với Nga. Còn Tổng thống CH Séc vừa hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ nổ kho đạn, dẫn đến việc nước này và Nga trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nhau.

Theo Spiegel, hơn 100 ngày kể từ khi nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalvy bị giam giữ sau khi trở về Nga từ Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng phản đối việc cứng rắn hơn đối với Nga.

Phát biểu trong chương trình Bericht aus Berlincủa kênh ARD, ông Maas bày tỏ nghi ngờ những biện pháp cứng rắn hơn có thể giúp cải thiện được tình hình của ông Navalny. “Tôi không nghĩ vậy. Tôi tin điều ngược lại sẽ xảy ra”, ông Maas nói. Theo Ngoại trưởng Đức, không ai mong muốn sự khiêu khích sẽ dẫn tới mâu thuẫn nghiêm trọng, bởi quan hệ khi đó “sẽ rất tệ” và không nên tiếp tục như vậy. Trước đó, ứng cử viên thủ tướng của đảng Xanh, bà Annalena Baerbock kêu gọi cần có chính sách cứng rắn đối với Mátxcơva.

Cho tới nay, EU đã 2 lần áp đặt các lệnh trừng phạt Nga liên quan vụ Navalny. Mỹ cũng đe dọa Nga phải “lãnh hậu quả” nếu ông Navalny tử vong.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga liên quan cuộc xung đột ở Đông Ukraine vẫn được duy trì chừng nào chưa có giải pháp cho tình hình ở đây. Ông Maas cũng bày tỏ hoan nghênh việc Mátxcơva chấp thuận đề nghị gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden và hai bên sẽ trao đổi về thời gian và điểm cho cuộc gặp này.

Tổng thống Séc hạ giọng

Các nước thành viên EU vẫn đang bàn bạc chuyện có tiếp tục trục xuất quan chức và nhân viên ngoại giao của Nga để thể hiện tình đoàn kết với CH Séc hay không. “Chúng tôi sẵn sàng hành động nếu thích hợp, và quá trình thảo luận vẫn đang diễn ra ở các nước thành viên”, một quan chức EU nói với trang EUobserverhôm 25/4.

Các quốc gia vùng Baltic và Slovakia đang đi đầu trong nỗ lực này với việc trục xuất tổng cộng 7 nhà ngoại giao Nga trong tuần trước. “Đối với chúng tôi, sự đoàn kết của EU là vấn đề quan trọng”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói hôm 23/4, sau khi tuyên bố 2 nhà ngoại giao Nga ở thủ đô Vilnius là những người “không được hoan nghênh”. Ba Lan dự kiến sẽ có bước đi tương tự trong tuần này, tiếp theo có thể là Bulgaria và Romania, các nguồn tin ngoại giao từ EU cho biết.

Séc tuyên bố sẽ trục xuất khoảng 40 nhà ngoại giao Nga ra khỏi nước này, quyết định có hiệu lực từ nay cho đến cuối tháng 5/2021. Bộ Ngoại giao Séc cho biết, Đại sứ quán Séc tại Mátxcơva hiện chỉ có 5 nhà ngoại giao và 19 nhân viên, trong khi Đại sứ quán Nga tại Praha có số lượng lớn hơn rất nhiều với 27 nhà ngoại giao và 67 nhân viên.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jakub Kulhanek nhấn mạnh mục đích của hành động này nhằm đưa số nhân viên Đại sứ quán Nga tại Séc cân bằng số lượng nhân viên Đại sứ quán Séc tại Nga.

Khi Nga bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh năm 2018, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước EU trục xuất 100 nhà ngoại giao của Nga “để thể hiện đoàn kết”, theo AP. Nhưng hành động đó chỉ được thực hiện sau khi Anh đưa ra bằng chứng để thuyết phục các đồng minh. Lần này, chính phủ Séc không làm như vậy, ông Jakub Janda - Giám đốc European Values, một tổ chức nghiên cứu ở Prague, đánh giá.

Giới chức một số thành viên EU tin rằng, vụ nổ kho đạn ở Vrbětice ở Séc (năm 2014) và vụ đầu độc ở Salisbury được cho là liên quan đến nhau. Séc nói rằng 2 người đàn ông thực hiện vụ tấn công này sử dụng cùng hộ chiếu với các đối tượng tình nghi trong vụ đầu độc điệp viên Sergei Skripal ở Salisbury.

Kho vũ khí này thuộc về một nhà buôn vũ khí Bulgaria, người cung cấp cho Ukraine vũ khí cho cuộc chiến với lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Một số quan chức ở Prague giận dữ vì vụ việc xảy ra ở nước này. Nghị viện Séc gọi đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất đối với chủ quyền của họ kể từ năm 1968.

Tuy nhiên, Tổng thống Séc Miloš Zeman vừa chất vấn uy tín của chính các cơ quan tình báo nước này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 26/4, ông Zeman nói rằng Nga sẽ phải trả giá nếu tấn công khủng bố trên lãnh thổ Séc, nhưng chỉ khi sự liên quan của các điệp viên Nga vào vụ nổ kho đạn Vrbětice được xác nhận chắc chắn.

Các biện pháp trả đũa mà Mátxcơva phải đối mặt sẽ là việc tập đoàn Nga Rosatom bị cấm tham gia đấu thầu nhà máy điện hạt nhân Dukovany. Tuy nhiên, ông Zeman nói rằng theo báo cáo của cơ quan phản gián BIS, “chưa có bằng chứng” để khẳng định đặc vụ Nga tham gia vào vụ việc ở Vrbětice.

Trong bài phát biểu đặc biệt ngày 25/4, Tổng thống Miloš Zeman cũng nêu rõ, các báo cáo phản gián, bao gồm cả báo cáo không công khai trong vòng sáu năm qua tại Séc “chưa bao giờ đề cập việc tình báo quân đội Nga liên quan đến vụ nổ tại Vrbětice”, theo Sputnik.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.