PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê - Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong là đồng Trưởng ban Tổ chức, với sự tham gia của đông đảo nhà quản lý ngành y tế các tỉnh, thành phố phía Nam, nhà quản lý cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y khoa; các chuyên gia hàng đầu cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y khoa.
Hội thảo nhằm góp phần cùng ngành y tế và TPHCM thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN được xác định tại Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về y tế chuyên sâu ảnh: Duy Anh |
Ngoài phiên thảo luận chung về định hướng phát triển TPHCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, hội thảo gồm có hai chuyên đề được thảo luận song song là “Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế” và “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”. Ngoài việc giới thiệu về những thành tựu đã đạt được của hệ thống y tế trong nước, các nhà quản lý, chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị một số cơ chế, chính sách để nhằm hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Để những ngôi sao không cô đơn
Ghi nhận về những thành tựu của nhiều cơ sở, hệ thống khám chữa bệnh trong nước hiện nay, PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê ví von đó là những ngôi sao trên bầu trời y học. Tuy nhiên, ông cho rằng, đó còn là những “ngôi sao cô đơn” lẻ tẻ, bởi chưa tạo thành một bầu trời đầy sao và đặc biệt chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy tiềm lực và tạo nên sức mạnh cho nền y tế nước nhà.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế ảnh: Duy Anh |
Theo ông Khuê, để TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần có sự chung sức, đồng lòng của các cơ sở y tế, cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành liên quan. “Để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế”, ông Khuê nói.
Ông Khuê bày tỏ sự nuối tiếc và trăn trở khi có nhiều người trong nước đi ra nước ngoài chữa bệnh, khiến mỗi năm có khoảng 2 triệu USD chảy ra nước ngoài theo con đường này. Vì vậy, xây dựng TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết và sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của mọi tầng lớp.
Chặn chảy máu ngoại tệ
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho rằng, trình độ y tế của Việt Nam không thua kém các nước, nhưng chưa có sự đồng bộ. Bác sĩ có thể phẫu thuật rất giỏi, nhưng bệnh nhân sau đó gặp nhiều khó khăn trong quá trình hậu phẫu. Người có thu nhập cao vẫn còn nhiều khó khăn khi muốn đặt phòng riêng để khám chữa bệnh tại Việt Nam. “Chúng ta quan tâm nhiều đến chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, nhưng lại đang để một khoản tiền lớn tiền của người giàu chảy ra nước ngoài”, ông Cường nói.
Sinh viên ngành y khoa Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trong 1 tiết thực hành. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Ths. BS CKII Hồ Hữu Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, dẫn chứng, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều Việt kiều về nước khám chữa bệnh vì họ tin tưởng tay nghề cao của bác sĩ Việt Nam, đặc biệt chi phí điều trị thấp hơn so với nước ngoài. Do đó, ông Tiến đề xuất cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mời các chuyên gia nước ngoài; phấn đấu đạt được các chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các trung tâm chuyên sâu; tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng, đầu tư vào trang thiết bị hiện đại.
BS CKII Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đề xuất Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2023 - 2030 cho các bệnh viện TP Cần Thơ và 12 tỉnh còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Xây dựng hệ thống mạng lưới bệnh viện theo chuyên ngành mang tính chất vùng, trong đó ngành y tế TPHCM và các bệnh viện Trung ương giữ vai trò đầu tàu, định hướng và hỗ trợ chuyên môn”, bà Nga đề xuất. Bà Nga cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm các mô hình, giải pháp giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành theo chuyên ngành; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số y tế.
Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí giúp người dân không phải ra nước ngoài điều trị, ông Võ Hoàng Trí, Trưởng bộ phận Hình ảnh và Y tế số Siemens Healthineers (chuyên cung cấp các giải pháp và dịch vụ chăm sóc sức khỏe) cho biết, đơn vị đã xây dựng lộ trình cho khách từ giai đoạn theo dõi bệnh sử, tầm soát và phát hiện ở giai đoạn sớm, chẩn đoán và phân định giai đoạn bệnh, phác đồ điều trị đến khi hồi phục… Mỗi lộ trình có thiết bị và công nghệ phù hợp. Trong đó, y tế số và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong quá trình này để lưu trữ dữ liệu từng bệnh nhân. “Quan trọng nhất là phát hiện sớm, tầm soát sớm để điều trị hiệu quả”, ông Trí nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, nguồn nhân lực y tế hiện tại ở Việt Nam có chuyên môn cao, trẻ trung, tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dựa vào thế mạnh này, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành đội ngũ kế cận trong tương lai. Tuy nhiên, ông Bính cũng nêu những vướng mắc trong cơ chế, chính sách để đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế. Hiện, hệ thống y tế ngoài công lập mua sắm thiết bị dễ dàng hơn so với các đơn vị công lập, nhưng các bệnh viện mua sắm theo mục tiêu riêng chứ không đi theo mục tiêu chung. Do đó, cần định hướng của Nhà nước, Bộ Y tế để tránh mỗi nơi mỗi kiểu. “Những bất cập trong cơ chế, chính sách khiến cơ sở y tế công lập và ngoài công lập vẫn còn khoảng cách. Nếu chưa xoá bỏ được rào cản này, sẽ khó lồng ghép trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu mang tầm khu vực ASEAN, khiến chảy máu ngoại tệ về y tế hơn 2 triệu USD mỗi năm ra nước ngoài”, ông Bính bày tỏ.
Xây dựng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế là chìa khóa quan trọng nhất để phát triển y tế chuyên sâu và cũng là điều được các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và khám chữa bệnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trưởng khoa Dược Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã có sự gia tăng cán bộ, nhân viên ngành y tế. Năm 2010, có khoảng 7,3 bác sĩ/10.000 dân. Đến năm 2023, số lượng này tăng gấp đôi với 13,3 bác sĩ/10.000 dân. Tuy vậy, mật độ nhân lực y tế vẫn thấp so với các nước khác. “Nhân lực y tế thiếu hụt, trong khi kiến thức y khoa thì cập nhật liên tục. Những năm 1950, kiến thức y khoa tăng lên gấp đôi mỗi 50 năm, nhưng đến năm 2020, chỉ còn khoảng 73 ngày để kiến thức y khoa tăng lên gấp đôi. Điều này đòi hỏi phải hợp tác quốc tế trong đào tạo để nâng cao chất lượng”, bà Thuỷ nói.
Ban tổ chức Hội thảo cảm ơn sự đồng hành cùng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Bệnh viện Tâm Anh (nhà tài trợ Kim cương cho hội thảo); các nhà tài trợ Vàng: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ; Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn; Công ty TNHH SIEMENS; Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết bị Y tế Việt Mỹ; các nhà tài trợ Bạc: Bệnh viện Quốc tế DNA, Công ty Stella pharm, Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty MERAP, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW tại TPHCM, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Thẩm mỹ JW, European Wellness - Hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện đến từ châu Âu; các nhà tài trợ Đồng: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Công ty GONSA, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.
Bà Thủy đề xuất cơ quan quản lý cần có sự hỗ trợ đồng bộ trong hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế để các giảng viên đào tạo nhân lực khối ngành sức khỏe tại các trường ngoài công lập có thể tham gia kiêm nhiệm vào công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cũng cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, đáp ứng nhu cầu điều trị, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực y tế, xây dựng nguồn tài liệu y văn mở.
Theo PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với mô hình làm việc “3 trong 1” gồm thầy thuốc - thầy giáo - nhà khoa học, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM muốn hướng tới bệnh viện đạt chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, đơn vị cần tăng cường những hoạt động chuyên sâu trong công tác nghiên cứu. Hiện, bệnh viện đã có một số thành quả từ năm 2018 đến nay như: thực hiện 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 236 đề tài cấp cơ sở và 51 đề tài thử thuốc trên lâm sàng. Trong công tác đào tạo, bệnh viện đã thu hút được gần 1.000 sự kiện khoa học, có trên 15.000 học viên đến thực hành tại bệnh viện, trong đó có hơn 400 học viên nước ngoài… Ngoài ra, đã cử gần 300 cán bộ, viên chức đi đào tạo tại nước ngoài; thực hiện được 40 chuyên đề chuyên sâu về y tế, hơn 200 bài báo cáo thu hút gần 12.000 lượt người tham dự.
Đặt trong tổng thể phát triển toàn vùng
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, khẳng định, nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho TPHCM là tiền đề để tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cho y tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành y tế TPHCM theo hướng y tế chuyên sâu và cung cấp những dịch vụ phong phú để đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng cao của người dân TPHCM và cả nước. Cùng với đó cũng đào tạo đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao, đầu tư vào các kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Ngoài trở thành trung tâm khám chữa bệnh của ASEAN, Ban tổ chức hội thảo còn mong muốn TPHCM là trung tâm liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và rộng ra là toàn bộ khu vực phía Nam. Nhiệm vụ phát triển TPHCM trở thành trung tâm y tế, khám chữa bệnh khu vực ASEAN phải đặt trong tổng thể phát triển toàn vùng.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, những năm qua, ngành y tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, mũi nhọn mà thế giới cũng học hỏi. Tuy nhiên ngay trong nước, nhiều người vẫn không biết đến những thành tựu này, đặc biệt các cơ sở y tế đã đầu tư rất nhiều, kể cả các cơ sở y ngoài công lập. Người bệnh vẫn có xu hướng ra nước ngoài. Trước bối cảnh đó, Ban tổ chức đã mời đến hội thảo nhiều chuyên gia y tế, cơ quan truyền thông, sinh viên cùng tham gia trao đổi, đóng góp để cùng tìm ra giải pháp phát triển ngành y tế nhằm phục vụ người dân trong nước, các nước trong khu vực, và đó cũng là cách để ngăn chảy máu các nguồn lực.