Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020:
Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt
Ông Cao Viết Sinh cho biết, phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững được nhắc lại nhiều lần trong chiến lược. Lần này chúng ta yêu cầu phát triển bền vững cao hơn. Có ý kiến cho rằng, nếu bền vững thì khó nhanh được, nguy cơ tụt hậu cao hơn.
Nhưng thực tế, phát triển nhanh và bền vững có gắn kết hữu cơ với nhau. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế- xã hội.
Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7- 8%/năm là vừa, phải để thực hiện yêu cầu này. Lần này nhấn mạnh sự xuyên suốt, bởi có lúc, có nơi còn coi nhẹ yếu tố bền vững trong phát triển.
Cũng theo ông Sinh, trong chiến lược nêu rõ, phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ngoài ra, phát triển kinh tế- xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường... Bởi trong thực tế, có địa phương, có thời điểm còn nặng kinh tế, chưa chăm lo đúng mức về xã hội, môi trường.
Chiến lược cũng nêu quan điểm, kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Ông Sinh cho biết, chúng ta thực hiện đổi mới kinh tế, lấy kinh tế là trọng tâm. Tuy nhiên, phải đổi mới chính trị đồng bộ thì đổi mới kinh tế mới phát huy được lâu dài.
Một quan điểm phát triển nữa là mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Ngoài ra, cần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế.
Về kinh tế, phấn đấu GDP đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm. Năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD. |