Với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2017. Xin Chủ tịch nước khái quát về những thành tựu nổi bật của đất nước?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Có thể khẳng định, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành toàn diện và vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục trên 33 tỷ USD... Việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã thu được thành quả rất đáng khích lệ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng…
Những thành tựu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, được cộng đồng Quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Liên Hợp Quốc đã xếp hạng Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 ở thứ hạng 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 20 bậc so với năm 2016.
Năm 2017 ghi dấu ấn thành công của Việt Nam trên mặt trận đối ngoại, xin Chủ tịch nước đánh giá về những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại trong năm qua?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Năm 2017 là năm đặc biệt trong lịch sử ngoại giao nước nhà. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, song công tác đối ngoại đã được tiến hành chủ động, tích cực và đã thu được những thành tựu to lớn trong việc thực hiện những mục tiêu và lợi ích chiến lược của đất nước.
Trước hết, đó là thành công to lớn của Năm APEC Việt Nam 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 với việc chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà, tạo nên dấu ấn lịch sử trong tiến trình liên kết kinh tế - chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện được tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; đề xuất nhiều sáng kiến, ưu tiên, điều hành linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận, không chỉ giữ vững đà hợp tác và liên kết APEC, mà còn góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược của Diễn đàn trong những thập niên tới.
Chúng ta đã tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, khu vực, các nước đối tác lớn, các nước bạn bè truyền thống. Lãnh đạo nước ta và các nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao. Đặc biệt, đã có hàng chục chuyến thăm cấp cao giữa ta và các nước lớn hàng đầu khu vực và thế giới. Chưa bao giờ trong vòng một ngày, ta đã đón tiếp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Công tác đối ngoại đã góp phần tranh thủ những nguồn lực quan trọng từ bên ngoài cho công cuộc phát triển đất nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa đồng đều và chưa vững chắc, xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng, chúng ta đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước cả trên bình diện song phương và đa phương, đồng thời góp phần quan trọng định hình các liên kết kinh tế - thương mại tại khu vực. Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, ta đã đóng vai trò tích cực nhằm duy trì và thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ. Hoạt động thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài năm nay đều đạt kết quả cao hơn so với dự kiến.
Hoạt động đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, cả trên bình diện song phương và đa phương, đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và các lợi ích chiến lược của đất nước. Trong ASEAN, ta đã góp phần rất quan trọng vào việc củng cố đoàn kết, đồng thuận và tiếng nói chung trong các vấn đề chiến lược tại khu vực. Các cơ chế đối thoại và hợp tác về an ninh - quốc phòng với các nước láng giềng, khu vực và các nước đối tác lớn, sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về an ninh - quốc phòng cũng như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã tăng cường sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Cùng với những thành tựu cả về đối nội, đối ngoại, chúng ta cũng nhận thấy còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước có điều gì trăn trở?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Chúng ta vui mừng, tự hào trước những thành tựu to lớn của đất nước, đồng thời phải rất nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế.
Chất lượng tăng trưởng chưa cao, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng còn chậm; nhiều cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát; quá trình tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao; khai thác tài nguyên còn lãng phí; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, làng nghề; tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống gây bức xúc dư luận xã hội; thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, những người nghèo còn gặp nhiều khó khăn.
Những hạn chế nêu trên đang là trở ngại trên con đường phát triển của đất nước. Điều quan trọng là chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, chủ động đưa ra các giải pháp để khắc phục.
Năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, xin Chủ tịch nước đánh giá về những thuận lợi và khó khăn của đất nước?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó tăng trưởng GDP tiếp tục được xác định ở mức 6,5 - 6,7%; tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản: chính trị - xã hội ổn định, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, niềm tin vào triển vọng phát triển đất nước được củng cố; đất nước còn nhiều tiềm năng phát triển và nhất là chúng ta đã gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu của quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước...
Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, lợi thế về lao động đang mất đi nhanh chóng do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên sẽ chịu tác động nhiều từ tình hình kinh tế thế giới...
Trong bối cảnh tình hình nêu trên, chúng ta phải phát huy cao độ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để vững bước đi lên.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn được nhân dân cả nước quan tâm. Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong năm qua?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả rất quan trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh. Nhiều vụ án lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước và nhân dân đã được điều tra, truy tố, xét xử; nhiều tài sản tham nhũng được thu hồi; số đối tượng tham nhũng đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn đang là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy Đảng và Nhà nước đã khẳng định quyết tâm tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 và những năm tiếp theo.
Cùng với tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, nhất là các nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, liêm chính, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cán bộ có cương vị càng cao càng phải gương mẫu, làm nòng cốt trong phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng, từ đó góp phần xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải kiên quyết, không có vùng cấm và phải thu hồi được những tài sản mà số đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt.
Ðể ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể. Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông đại chúng cần tăng cường giám sát, phát hiện, phối hợp đấu tranh, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia công tác này.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!