Ngày 22/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này vừa phát hiện một di vật cổ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Theo đó, trong quá trình khai quật và đào thám sát, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật khá đặc biệt mà theo xác định ban đầu là chỉ có ở Bình Dương, chưa phát hiện ở nơi nào khác trong nghiên cứu khảo cổ ở Việt Nam.
Cụ thể, tại phường Phú Chánh, TX. Tân Uyên, Bình Dương, cơ quan chức năng đã phát hiện các cọc gỗ cổ được xác định là cọc nhà sàn, dụng cụ xe sợi dệt vải bằng gỗ, các di vật từ thực vật như xác cau, xác cây vụn, gáo dừa, vỏ trái bầu, trái ngâu... Đặc biệt, phát hiện một chum gỗ được sử dụng làm áo quan, trong đó có các chum gỗ sử dụng trống đồng làm nắp đậy.
Mộ chum gỗ, nắp trống đồng là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau công nguyên tại vùng đất Phú Chánh, Tân Uyên, Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ. Trước đó, tại Bình Dương, di vật cổ được phát hiện là “Tượng động vật Dốc Chùa” đã được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
“Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là bảo vật quốc gia vừa mới phát hiện, vào ngày 24/4 đến 10/5 tới, tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương sẽ cho trưng bày di sản với chuyên đề “Khảo cổ học Bình Dương – Tiếng nói từ lòng đất”.
Trưng bày giới thiệu đến khách tham quan một cách khái quát về văn hóa thời tiền – sơ sử trên mảnh đất Bình Dương cách ngày nay từ 1800 – 3500 năm thông qua các tài liệu, hiện vật từ các di tích khảo cổ như: di tích Hàng Ông Đại, Hàng Ông Đụng, di tích Cù Lao Rùa, di tích Dốc Chùa, Di tích Mỹ Lộc, đặc biệt là di tích Phú Chánh với bảo vật “Mộ chum gỗ nắp trống đồng”, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết.