Phát hiện hành tinh đang bay về phía Trái Đất: Con người sống được?

Minh họa ngoại hành tinh Ross 128 b. Ảnh: ESO.
Minh họa ngoại hành tinh Ross 128 b. Ảnh: ESO.
Các nhà thiên văn học tìm thấy hành tinh với kích thước, nhiệt độ tương tự Trái Đất đang bay về phía chúng ta, nhiều khả năng chứa sự sống.

Hành tinh mới có kích thước bằng Trái Đất chỉ cách hệ Mặt Trời 11 năm ánh sáng, được phát hiện bởi các nhà thiên văn học ở Đài quan sát Khoa học Trái Đất (ESO), International Business Times hôm qua đưa tin. Ngoại hành tinh mang tên Ross 128 b là hành tinh gần nhất quay quanh một ngôi sao lùn đỏ không hoạt động, làm tăng cơ hội tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Xavier Bonfils ở Viện Vật lý Hành tinh Grenoble, phát hiện Ross 128 b thông qua sử dụng thiết bị săn hành tinh HARPS. Các nhà khoa học ước tính ngoại hành tinh này rất có thể sở hữu nhiệt độ tương tự Trái Đất. Sau Proxima b, Ross 128 b là hành tinh có nhiệt độ ôn hòa thứ hai được tìm thấy.

"Ross 128 b sẽ là mục tiêu cơ bản của Kính viễn vọng cực lớn (Extremely Large Telescope) tại ESO. Thiết bị có thể tìm kiếm những dấu ấn sinh học trong khí quyển hành tinh", ESO cho biết.

Ngoại hành tinh được đặt tên theo ngôi sao chủ - Ross 128 - với quỹ đạo quay dài 9,9 ngày. Nhóm nghiên cứu nhận thấy ngoại hành tinh quay quanh Ross 128 ở khoảng cách gần hơn 20 lần so với Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Hồi tháng 6, các nhà thiên văn học thu được những tín hiệu phát ra từ Ross 128.

Theo ESO, sao lùn đỏ nằm trong số những loại sao lạnh nhất, mờ nhạt nhất và phổ biến nhất trong vũ trụ. Điều này khiến chúng trở thành mục tiêu tốt nhất để các nhà thiên văn học tìm kiếm những thế giới có thể ẩn chứa sự sống.

Khác với phần lớn sao lùn đỏ bao gồm Proxima Centuri đôi khi lóe sáng khiến những hành tinh quay xung quanh chúng tiếp xúc với tia cực tím và bức xạ tia X nguy hiểm, Ross 128 là một ngôi sao yên tĩnh hơn nhiều. Do đó, Ross 128 b có khả năng hơn để trở thành hành tinh gần nhất chứa điều kiện dễ chịu cho sự sống hình thành và phát triển .

Nhóm nghiên cứu cho biết Ross 128 đang chậm rãi di chuyển gần hơn về phía hệ Mặt Trời và theo dự kiến nó sẽ "trở thành hàng xóm gần nhất của chúng ta trong vòng 79.000 năm, tương ứng với một cái chớp mắt xét về mặt thiên văn". Khi điều này xảy ra, Ross 128 b sẽ qua mặt Proxima b trở thành ngoại hành tinh gần Trái Đất nhất.

Dù cho rằng Ross 128 b là ngoại hành tinh có nhiệt độ ôn hòa, nhóm nghiên cứu không biết chắc hành tinh có nằm trong khu vực phù hợp với sự sống. Vị trí nằm bên trong, bên ngoài hoặc ở mép khu vực phù hợp với sự sống sẽ quyết định bề mặt Ross 128 b có thể chứa nước lỏng hay không.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG