Phát hiện cổ thành của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn ở Nga

TPO - Các nhà khảo cố vừa phát hiện ra tàn tích của một thành phố 750 năm tuổi của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn dọc bên bờ sông Volga của Nga.
Phát hiện cổ thành của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn ở Nga ảnh 1

Khu vực khai quật thành phố Ukek

Thành phố kể trên chính là thành Ukek trong lịch sử. Nó được xây dựng vài thập kỷ sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời năm 1227.

Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, đế chế của ông bị chia rẽ. Cháu trai của ông là Bạt Đô (1205-1255) đã thành lập vương quốc Kim Trướng (Kipchak Khanate) trải dài từ Đông Âu tới Trung Á và kiểm soát nhiều khu vực trên Con Đường Tơ Lụa nối Trung Quốc với châu Âu thời Trung Cổ.

Ukek được xây dựng gần cung điện mùa hè của Hãn Bạt Đô dọc bờ sông Volga.

Điều đặc biệt là các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng khu vực Saratov đã phát hiện ra dấu tích về các công trình Thiên Chúa giáo ở Ukek. Đây là những bằng chứng cho thấy Ukek là một thành phố đa văn hóa với nhiều tôn giáo.

Theo các nhà khảo cổ, những người theo Thiên Chúa giáo ở Ukek không bị đối xử như nô lệ. "Chúng tôi đã tìm thấy một số đồ vật đặc trưng của người Mông Cổ tại tàn tích của các công trình Thiên Chúa giáo, trong số đó có một cây trâm cài tóc bằng thủy tinh có hình như quả lựu bẻ đôi, và một mảnh đĩa có chạm khắc hình rồng. Đây là những đồ vật của người giàu có", nhà khảo cổ Dmitriy Kubankin cho biết.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra tầng hầm của hai nhà thờ Thiên Chúa giáo. Một trong hai nhà thờ này được xây trong khoảng năm 1280 và bị phá hủy vào đầu thế kỷ 14.

Phát hiện cổ thành của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn ở Nga ảnh 2

Bức phù điêu vẫn còn khá nguyên vẹn được tìm thấy ở khu vực khai quật

"Nhà thờ được lợp ngói và trang trí bằng những bức bích họa. Có một bức phù điêu chạm hình một con sư tử đầu chim quắp móng vào một con sư tử vẫn còn khá nguyên vẹn", Kubankin cho biết.

Trong tầng hầm của nhà thờ, các nhà khảo cổ đã phát hiện những gì còn lại của các loại hàng hóa có thể đã được những lái buôn địa phương cất ở đây, bao gồm những chiếc đĩa và chai lọ tinh xảo được nhập về từ đế chế Byzantine, Ai Cập hay Iran.

Theo Kubankin, "bất cứ hầm chứa nào của nhà thờ cũng là nơi an toàn để cất giữ hàng hóa".

Sau khi nhà thờ thứ nhất bị phá hủy vào đầu thế kỷ 14, nhà thờ thứ hai được xây dựng năm 1330 và tồn tại tới khoảng năm 1350. Nhiều khả năng nhà thờ này được xây bằng đá và lợp ngói. Các nhà khảo cổ cũng đã khai quật được một phần nơi cầu nguyện của nhà thờ.

Thành phố Ukek tồn tại không lâu. Trong thế kỷ 14, đế chế Kim Trướng bắt đầu suy thoái. Năm 1395, Ukek bị Thiếp Mộc Nhi tiêu diệt.

Ngày nay, rất nhiều tòa nhà hiện đại đã xuất hiện ở nơi từng là thành phố Ukek. Điều này gây cản trở không ít tới việc nghiên cứu và làm chậm quá trình khai quật toàn bộ thành phố vì Ukek trải rộng tới cả những vùng đất thuộc sở hữu tư nhân. Tuy vậy, việc khai quật ở một địa điểm cũng có thể đưa lại những khám phá quan trọng.

MỚI - NÓNG