Khi đang dẫn du khách đi tham quan và chiêm ngưỡng một số loài động vật hoang dã ở Game Ngala thì Lyle Bruce McCabe bỗng nghe thấy tiếng kêu kỳ lạ phát ra từ bụi cây gần chỗ mình đang đứng. Ngay sau đó, hướng dẫn viên du lịch này gần như “chết đứng” khi thấy chú sư tử mẹ đang cắn nhẹ vào người chú sư tử con để chuẩn bị di chuyển chỗ ở.
Dù rất sợ, nhưng với kinh nghiệm hơn 26 năm làm hướng dẫn viên du lịch hoang dã, Lyle Bruce nhanh chóng ổn định tinh thần và phát hiện ra chú sư tử con là một cá thể bạch tạng. Bởi vì, toàn thân nó được bao phủ bởi một lớp lông trắng. Đồng thời, chú sư tử mới sinh này còn không có đốm đen nào giống như các con sư tử sơ sinh bình thường khác.
Theo Lyle Bruce, sư tử bạch tạng là một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm nhất trên thế giới. Đồng thời, ông cũng khẳng định rằng, đây là con sư tử trắng đầu tiên mà ông phát hiện dù mình đã có tới 26 năm làm việc trong ngành hướng dẫn viên tham quan động vật hoang dã.
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng, sư tử bạch tạng xuất hiện trong thiên nhiên hoang dã là điều cực kỳ hy hữu. Cần phải biết rằng, để có thể xuất hiện bệnh bạch tạng trên người một chú sư tử con thì cả bố và mẹ của nó đều mang 1 đột biến ở gen lặn có chức năng tạo ra sắc tố màu melanin.
Ngoài ra, trong thiên nhiên hoang dã, sư tử bị bạch tạng rất ít khi được con người phát hiện bởi 50% trong số chúng không thể sống sót qua năm đầu tiên của cuộc đời. Trong khi đó, số còn lại cũng chết dần, chết mòn theo thời gian. Vì vậy, cho đến thời điểm này, các nhà khoa học mới chỉ ghi nhận được 1 vài cá thể bạch tạng của loài sư tử sống sót đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, đó chỉ tính ở trong thiên nhiên hoang dã. Bởi vì, nhờ vào phương pháp lai cận huyết, các nhà khoa học cũng có thể tạo ra sư tử bạch tạng, nhưng điều này thường ít được thực hiện bởi nó rất dễ vấp phải sự chỉ trích từ những người yêu quý động vật.