Phát hành để tái cơ cấu lại nợ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện việc tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ và thực hiện việc phát hành TPCP. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn trên thị trường nên hiệu quả đặt ra chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, về nhu cầu huy động vốn năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay nợ là 436 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi là 226 nghìn tỷ, vay để đáo nợ 125 nghìn tỷ và các khoản khác.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện 9 tháng thì thấy rất khó khăn để đạt được kế hoạch đề ra, và nếu không đa dạng hóa trong phát hành TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng, giảm 90 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Trong khi đó số lượng thanh toán lãi, gốc TPCP 9 tháng đầu năm là vào khoảng 165 nghìn tỷ đồng. “Trong 9 tháng khối lượng vốn huy động mới TPCP không đủ để thanh toán trả nợ gốc và lãi TPCP đến hạn nên phải vay ngân hàng nhà nước để tạm thời bù đắp vào ngân sách”, ông Dũng cho biết.
Vì thế, theo ông Dũng qua thảo luận, Chính phủ đề xuất phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế nhằm giảm áp lực thị trường vốn trong nước và cũng là để tái cơ cấu nợ. Khối lượng phát hành TPCP ra thị trường quốc tế dự kiến vào khoảng 3 tỷ USD. Số tiền thu được sẽ dùng để tái cơ cấu lại khoản nợ TPCP trong nước. Tiếp đó, từ năm 2017 sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi.
Lãi suất phải thấp hơn trong nước
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho biết, qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế. Bởi việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế chưa hẳn là một giải pháp hiệu quả và tối ưu nhất để bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công vì việc vay mới không làm giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, nội dung Tờ trình của Chính phủ cũng chưa làm rõ ưu thế, chi phí của việc phát hành TPCP ra thị trường quốc tế so với phát hành tại thị trường trong nước và chưa tính đến các yếu tố rủi ro liên quan đến lãi suất, tỷ giá khi phát hành ra thị trường quốc tế, chưa đánh giá kỹ về tính khả thi, lộ trình phát hành.
Tuy nhiên, qua xem xét đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đều cho rằng, chủ trương phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế là cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép vay ngoại tệ để cơ cấu lại danh mục các khoản vay trong nước có thời hạn trả nợ trong năm 2015-2016, với tổng mức vay tối đa không vượt quá 3 tỷ USD. Đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc chi phí vay vốn nước ngoài thấp hơn hoặc bằng chi phí vay trong nước để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, và đưa nội dung này vào nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016.
Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ xác định cụ thể hơn nữa phương án cơ cấu nợ, lộ trình trả nợ, danh mục các khoản nợ cần được cơ cấu, trước mắt cho các năm 2015, 2016. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đưa nội dung này vào trong Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016.
Trao đổi bên lề kỳ họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam rất lớn nên việc phát hành TPCP ra thị trường quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao sử dụng nguồn vốn được hiệu quả để có nguồn thu tăng thêm cho tương lai.
Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ xác định cụ thể hơn nữa phương án cơ cấu nợ, lộ trình trả nợ, danh mục các khoản nợ cần được cơ cấu, trước mắt cho các năm 2015, 2016.