Cuộc thi nhằm khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường dành cho học sinh các trường THPT và sinh viên các trường Đại học trên cả nước.
Ban tổ chức mong muốn, cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức về môi trường, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ và khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Bên cạnh đó, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy giải pháp, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
Người dự thi đề xuất và thực hiện các sáng kiến hoặc giải pháp khoa học có ý nghĩa lý thuyết hoặc ứng dụng thực tiễn, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của xã hội về tác hại của việc đốt rơm rạ và phương pháp khoa học xử lý rơm rạ.
Bài thi có thể trình bày 1 trong 3 hình thức gồm bài viết, bài trình bày, đoạn phim ngắn. Thời gian nhận bài dự thi từ 1/09 - 30/09. Thời gian chấm thi sơ khảo từ 1/10 - 20/10. Vòng chung kết dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11.
Đốt rơm rạ gây khói mù mịt trên Quốc lộ 1A qua Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Trường. |
Ban tổ chức sẽ trao một giải Nhất trị giá 20.000.000 đồng, một giải Nhì trị giá 10.000.000 đồng, 3 giải Ba trị giá 4 triệu đồng và một giải Lan toả trị giá 5 triệu đồng.
Nhiều năm qua, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch diễn ra phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở diện rộng.
Nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên về “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” cho thấy, chỉ riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn.
Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực có hoạt động đốt, bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, khói bụi từ hoạt động đốt rơm rạ cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Cảng vụ hàng không miền Bắc đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn (nơi có sân bay Nội Bài) có biện pháp ngăn chặn đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay.