Phát động Chương trình 'Điều ước cho em'

0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Chương trình "Điều ước cho em".
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Chương trình "Điều ước cho em".
TPO - Chiều 11/4 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án tri thức Việt số hóa tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”.

Lễ phát động được tổ chức vào ngày "Làm việc tốt" 11/4 nhằm giới thiệu tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình “Điều ước cho em" với nhân dân, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp để khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động nguồn lực từng bước hỗ trợ các trường học ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trước lễ phát động, Bộ đã ban hành kế hoạch nhằm kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các vùng khó khăn, khu công nghiệp, cùng chung tay cùng ủng hộ các học sinh và nhà trường khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần đoàn kết.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đây là nội dung quan trọng hướng chương trình đi vào chiều sâu; bám theo tiêu chí của Chính phủ xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Mong muốn của chương trình là tất cả trẻ em được sống trong môi trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất; đạt chuẩn về đội ngũ thầy cô; đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa ứng xử, không có bạo lực học đường.

“Bộ GD&ĐT sẽ tiên phong đi trước, tạo dựng mô hình với 600 trường học an toàn, thân thiện, phấn đấu đạt được trong 5 năm, từ 2021-2025", Thứ trưởng Ngô Thị Minh thông tin.

Theo Thứ trưởng, mặc dù Chương trình mới được triển khai từ đầu năm 2021 nhưng đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và các cơn bão liên tiếp tại các tỉnh miền Trung, ngành giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, điện, vệ sinh môi trường, nước sạch...

Để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ các trường học vượt qua các khó khăn, đảm bảo điều kiện tốt hơn.

Kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.

Chương trình nhằm vận động kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ học sinh, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Chương trình đặt ra mục tiêu hỗ trợ các cơ sở giáo dục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường học tập và điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh bị thiệt hại do lũ, lụt gây ra, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để triển khai Chương trình "Điều ước cho em", cần rất nhiều những tấm lòng thiện nguyện, những trái tim nồng ấm bao dung, tất cả những chia sẻ cụ thể của mỗi doanh nghiệp, cá nhân tới các trường học, các em học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sẽ được lan tỏa trên Nền tảng nhân đạo số quốc gia. Trên đó đã có dữ liệu của hàng chục ngàn trường học; mỗi hoạt động thiện nguyện sẽ được số hóa để đảm bảo tính minh bạch và xuyên suốt...

Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các bộ, ban, ngành thời gian qua đã quan tâm, dành tình cảm ấm áp, sự quan tâm cho các học sinh và thầy cô.

Cùng với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ban, ngành, địa phương, tập thể, cá nhân trong thời gian qua đã làm nhiều việc quan tâm nhiều đến học sinh. Tuy nhiên cách làm đôi khi chưa thực sự đúng hướng, chưa giải quyết được trọn vẹn những điều ước giản dị của thầy cô và học sinh vùng sâu xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Vì vậy cần sự thay đổi lớn trong cách chăm lo đồng hành, chăm sóc học sinh. Muốn thay đổi lớn cần phải có phương pháp đúng. Và phương pháp của Phó thủ tướng Võ Đức Đam đưa ra chương trình "Điều ước cho em" là đúng đắn để thay đổi cách thức chăm lo và đồng hành cùng các em học sinh", anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Tuấn, với cách làm này công việc đang làm sẽ bài bản, minh bạch hơn. "Là đơn vị tham gia chương trình, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo những nội dung mà các đơn vị cùng ký cam kết với tinh thần đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, minh bạch trong chương trình "Điều ước cho em". Với tư cách là cơ quan đại diện để bảo trợ cho hoạt động của cộng đồng tình nguyện Việt Nam, chúng tôi kêu gọi và mong muốn sự chung tay của của các cấp bộ, ngành trong cả nước, đặc biệt cộng đồng tình nguyện Việt Nam…", anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định sức mạnh sẽ đến từ toàn bộ cộng đồng. Nếu có sự chung tay của toàn bộ thành viên, từng người dân để chăm lo đồng hành bảo trợ cho các em thì chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh to lớn để đáp ứng được ngày càng nhiều hơn những mong mỏi của thầy cô và học sinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Đảng, Nhà nước, các gia đình đã dồn tất cả những điều tốt đẹp cho con em, nhưng còn một số nơi, có những học sinh chưa được ăn trưa đầy đủ, còn thiếu thốn đủ thứ.

"Hôm nay cũng là một sự trùng hợp khi sự kiện diễn ra đúng ngày 'Làm việc tốt'. Không chỉ trông vào các nhà tài trợ mà tất cả các cấp chính quyền phải coi đây là trách nhiệm. Dù còn khó khăn, nhưng nếu chúng ta quan tâm, dành dụm thì vẫn có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các học sinh nghèo", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG