Phát bệnh vì cắt tỉa móng chân, móng tay

Phát bệnh vì cắt tỉa móng chân, móng tay
TP - Tuần nào Viện Da liễu Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận gần 10 bệnh nhân bị bệnh móng chọc thịt do nhiều nguyên nhân, nhưng có tới 40% là do cắt tỉa móng sai.
Phát bệnh vì cắt tỉa móng chân, móng tay ảnh 1

Hầu hết các cửa hàng cắt tóc, gội đầu đều có thêm dịch vụ cắt tỉa móng tay, móng chân cho khách hàng. Dịch vụ này hiện đang thu hút được nhiều chị em có nhu cầu làm đẹp. Tuy nhiên không phải nhân viên cửa hàng nào cũng có tay nghề tốt để giúp phái đẹp ngày càng đẹp hơn.

Kết quả là không ít khách hàng trở thành nạn nhân của bệnh móng chọc thịt, khiến khóe ngón chân, tay bị viêm, đỏ tấy, đau nhức.

Bệnh nhân Đ.T.H ( phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải nhập viện trong tình trạng 2 ngón chân cái sưng to, mưng mủ và nguy cơ bị nhiễm trùng. Chị H. cho biết trong một lần đi tỉa móng chân ở cửa hàng cắt tóc gội đầu về ngón chân cái của chị tự nhiên bị đau và sưng to dần.

Trước đó, khi nhân viên lấy khóe (lấy phần móng ở kẽ ngón chân giáp với thịt), chị H. chỉ thấy hơi nhói đau. Sau một tháng ngón cái chân phải chị H. cũng rơi vào tình trạng như chân trái. Chị H. tự điều trị ở nhà nhưng bệnh không khỏi mà còn nặng hơn.

Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Viện Da liễu, cho biết nguyên nhân bị móng chọc thịt của bệnh nhân H. ngoài cắt tỉa móng sai còn do tăng cân quá nhiều sau sinh nở (tăng hơn 14kg).

Chị H. được bác sĩ điều trị bằng phương pháp kẹp cắt bản móng, giường móng và mầm móng dưới sự định hướng của kẹp thẳng. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện ở các cơ sở y tế và bệnh nhân ít bị đau sau thủ thuật.

TS Nguyễn Sĩ Hóa, Phó giám đốc Viện Da liễu Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, cho biết bệnh móng chọc thịt (có tên khoa học là Ingrown nail) là hiện tượng bờ tự do của tường móng chọc vào da, nếp gấp làm tổn thương tổ chức này.

Đây là bệnh thường gặp, chiếm 0,1% các bệnh về da và 7% các bệnh về da cần phẫu thuật. Bệnh diễn biến dai dẳng do bệnh nhân tự điều trị hoặc điều trị tại cơ sở y tế bằng nội khoa nên không triệt để, gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và nguy cơ bị biến thành bệnh mãn tính rất lớn.

Theo thống kê của Viện Da liễu Việt Nam, 70% bệnh nhân đến điều trị bệnh móng chọc thịt là phái đẹp và gần 70% trong số đó dưới 30 tuổi.

TS Nguyễn Sĩ Hóa khuyến cáo, mọi người không nên cắt khóe móng tay, móng chân quá sâu. Khi bị viêm  không tự ý điều trị tại nhà vì dễ dẫn tới nhiễm trùng. 

MỚI - NÓNG