Hoạt động phập phù
Ngày 17/5, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thay mặt liên ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT công bố số điện thoại đường dây nóng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận thông tin an toàn thực phẩm tại số máy 0439985765, Sở Công Thương số 1900585826, Sở NN&PTNT số 0433800115.
Theo đó, các đường dây nóng có bộ phận thường trực tiếp nhận mọi thông tin phản ánh của người dân, nhà báo và sẽ báo cáo lãnh đạo. Trường hợp thuộc thẩm quyền của sở nào, ở quận, huyện nào thì sẽ chuyển cho đoàn kiểm tra, thanh tra khu vực đó xuống ngay. Trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên xem xét.
Hơn 13h ngày 22/6, phóng viên Tiền Phong liên hệ đến số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế để phản ánh thông tin an toàn vệ sinh thực phẩm. Hai cuộc gọi liền nhau, máy đổ chuông nhưng không ai bắt máy. Phóng viên tiếp tục liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của Sở Công Thương nhưng không có tín hiệu. Trong buổi chiều, phóng viên tiếp tục liên hệ tới đường dây nóng của sở này nhiều lần nhưng các cuộc gọi đều không thực hiện được.
Đến khoảng 15h ngày 22/6, phóng viên Tiền Phong liên hệ lại với đường dây nóng của Sở Y tế. Sau hai cuộc gọi, một người phụ nữ nhấc máy. Khi được biết có phản ánh về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người này nói lại: “Nếu anh phản ánh thì anh thông tin vào đây còn nếu làm thủ tục thì sang 70 Nguyễn Chí Thanh”.
Khi trao đổi về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ăn uống ở phố cổ Hà Nội, người này đặt một loạt câu hỏi gọn lỏn: “Ở đâu? Địa chỉ ở đâu? Số bao nhiêu phố H.G? Tên bạn là gì? Cái đấy là hàng ăn gì? Phở tên gì có nhớ không? Rồi, được rồi? Tên quán phở là gì có nhớ không?”. Người này cũng không thông tin về hướng xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng.
Trước đó, phóng viên Tiền Phong gọi điện thoại đến đường dây nóng Sở NN&PTNT. Người phụ nữ trực hỏi cụ thể về địa chỉ xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể vi phạm như thế nào, có bị ngộ độc không… rồi xin tên, số điện thoại của người phản ánh.
Cũng theo người này, thông tin phản ánh qua đường dây nóng sẽ được báo cáo lãnh đạo để có hướng xử lý. “Có gì phòng chuyên môn sẽ xử lý. Cái này sẽ phải phối hợp với bên Y tế vì liên quan thực phẩm trên bàn ăn. Thời gian xử lý thì phải tùy cơ quan chuyên môn xuống địa bàn kiểm tra lại thông tin…”, người này nói.
Có khi người dân chưa biết
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong cuối giờ chiều 22/6, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc quản lý 3 đường dây nóng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các sở. “Hiện đã thành lập 5 đội kiểm tra. Các đội cũng bắt đầu hoạt động trên tinh thần là nếu có phản ánh đường dây nóng, hoặc các cơ quan thông tin đại chúng có phát hiện các trường hợp thì các đội này ở các địa phận sẽ xử lý”, ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, Sở NN&PTNT có 2 đội kiểm tra, Sở Công Thương 2 đội, Sở Y tế 1 đội phân ra phụ trách các khu vực. “Hiện chưa có tổng hợp báo cáo từ đường dây nóng. Nếu đường dây nóng phản ánh ít thì chứng tỏ có ít vi phạm. Hoặc có khi người dân chưa biết rõ các đường dây nóng. Mình công bố thế nhưng có thể họ vẫn chưa biết”, ông Hạnh chia sẻ.
Liên quan thông tin đường dây nóng của Sở không hoạt động, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đường dây nóng đang có chút trục trặc. “Đây là dự án của Cục Quản lý thị trường làm, bố trí cho tất cả các tỉnh về công tác an toàn thực phẩm. Tôi cũng thử nhiều lần, nhưng bây giờ không thấy hoạt động. Chúng tôi đã gửi văn bản lên Cục, Cục đang điều chỉnh. Nếu không khôi phục được thì chắc phải xin một đường khác”, ông Kiên nói. Theo ông Kiên, Sở cũng có đường dây riêng để tiếp nhận thông tin trong giờ hành chính, nhưng người dân ít biết.