Vợ chồng giám đốc tố cáo Đường Nhuệ chiếm giữ công ty đã được tại ngoại

Đường Nhuệ bị tố chiếm giữ nhà xưởng của người khác trong nhiều ngày.
Đường Nhuệ bị tố chiếm giữ nhà xưởng của người khác trong nhiều ngày.
TPO - Bị phạt tù vì chiếm đoạt tài sản, cặp vợ chồng ở Thái Bình kêu oan, cho rằng khi Đường Nhuệ chiếm giữ công ty đã lấy đi giấy tờ thể hiện họ đã trả nợ người khác.

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa quyết định thay đổi biện pháp tạm giam với vợ chồng bi cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962) và Phạm Thị Quyết (SN 1967, ở TP Thái Bình). Cả 2 được áp dụng biện pháp bảo lĩnh (cho tại ngoại) đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm.

Trước đó, TAND tỉnh Thái Bình đã phạt ông Lẫm 14 năm tù, bà Quyết 13 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hai người đã kháng cáo kêu oan và đang chờ xét xử phúc thẩm.

Con trai của 2 bị cáo, anh Nguyễn Văn Hà (SN 1989) cho biết, bố mẹ từng vay hơn 1,7 tỷ đồng của Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ, SN 1971, ở TP Thái Bình), hợp đồng không ghi lãi suất và thời hạn trả nợ nhưng thực tế, các bên thỏa thuận trả lãi 2.000 đồng/triệu/ngày.

Sau đó, dù ông bà Lẫm, Quyết vẫn đang trả nợ nhưng Đường yêu cầu phải ủy quyền hoặc bán lại nhà xưởng Cty Lâm Quyết cho mình (giá trị khoảng 7 tỷ tồng).

Vợ chồng giám đốc tố cáo Đường Nhuệ chiếm giữ công ty đã được tại ngoại ảnh 1

Nhà xưởng Cty Lâm Quyết đã bị bỏ hoang sau khi Đường Nhuệ chiếm giữ.

Do không được đồng ý, ngày 4/10/2017, Đường Nhuệ cho người tới nhà xưởng này để de dọa, đuổi người trông coi ra ngoài và ở lại đó đến ngày 19/10/2017. Quá trình này, các đối tượng đập phá đồ đạc, gồm cả bàn thờ trong công ty đồng thời liên tục đe dọa gặp ông Lẫm ở đâu sẽ giết tại chỗ đó.

Anh Hà cũng giữ ghi âm thể hiện nội dung Đường Nhuệ đe dọa ông Quyết: “Với một thằng nghiện, chỉ vì một tép thuốc phiện thôi nó có thể giết người.... Mày lên công an mày khai báo mày nợ á, xong cái kiểu như những con nợ khác á, mày nhầm rồi tao là Đường... Tao sẽ hy sinh một thằng đàn em tao, tao nuôi trong tù... Bố mày chơi nhiều thằng chết chứ không phải mình mày chết đâu hiểu không”.

Theo đơn tố cáo của anh Hà, suốt thời gian Đường Nhuệ cho người chiếm giữ công ty, ông bà Lẫm, Quyết nhiều lần tố cáo vụ việc đồng thời xin được bảo vệ tính mạng cho mình. Tuy nhiên, họ không nhận được sự bảo vệ từ phía cơ quan công quyền. Công an TP Thái Bình cũng cho rằng, đoạn ghi âm nói trên chưa đủ căn cứ để xử lý Nguyễn Xuân Đường về hành vi đe dọa giết người.

Ngày 19/10/2017, Công an TP Thái Bình gọi anh Hà lên làm việc cùng Đường Nhuệ và 2 cán bộ thuộc đội cảnh sát kinh tế, nội dung Đường sẽ rút khỏi Cty Lâm Quyết, giao lại toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, anh Hà từ chối tiếp nhận bởi không biết khi chiếm giữ, Đường đã lấy đi những gì…

Sau vụ việc này, có người tố cáo ông bà Lẫm, Quyết lạm dụng tín nhiệm, vay tiền của họ từ năm 2013 nhưng chưa trả dẫn tới 2 người phải nhận lần lượt 14 và 13 năm tù. Gia đình bị cáo Lẫm, Quyết khẳng định, giấy tờ thể hiện họ đã trả nợ bị Đường Nhuệ lấy đi cùng nhiều tài liệu khác.

Trao đổi với phóng viên, luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Văn Lẫm cho biết, vụ án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như 2 người bị truy tố ở khung 20 năm tù, thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng ban đầu lại do Công an TP Thái Bình giải quyết; nhiều tài liệu, chứng cứ gỡ tội bị bỏ ra ngoài và có dấu hiệu bị hại trong vụ được mớm cung để tố cáo… Vị luật sư khẳng định, có căn cứ thể hiện Đường Nhuệ cấu kết với một số người trong cơ quan tố tụng tại TP Thái Bình.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.