Thủ đoạn mới
Theo đơn tố giác của ông T. (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), năm 2017, qua các mối quan hệ xã hội, ông T. quen Nguyễn Thị Hà Thành (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi tiếp xúc, Thành tự giới thiệu làm liên doanh cho 4 ngân hàng lớn, hiện các ngân hàng này đang thiếu chỉ tiêu huy động vốn nên nhờ ông T. hỗ trợ gửi tiền vào các ngân hàng theo hình thức sổ tiết kiệm. Cũng theo lời của Thành, ngoài khoản lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm, ông T. còn nhận được khoản tiền thưởng tương đương.
Thông báo khởi tố vụ án của Cơ quan An ninh điều tra.
Sau khi vợ chồng ông T. hoàn tất các thủ tục mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng, Thành ứng trước cho ông này số tiền lãi ghi trên sổ tiết kiệm mà ông T. sẽ được hưởng khi đến kỳ hạn tất toán, cùng số tiền trả thưởng tương ứng.
Vẫn theo ông T, sau khi đưa tạm ứng tiền lãi suất, Thành đề nghị ông đưa lại sổ tiết kiệm để Thành giữ làm tin với lời giải thích: “Em vừa ứng lãi suất cho anh nên muốn giữ lại sổ tiết kiệm vì sợ anh quay lại tất toán rút tiền thì em sẽ bị kỷ luật. Anh yên tâm số tiền trong sổ tiết kiệm của anh không thể mất hay thiếu hụt vì không có chữ ký của chủ sổ. Cộng với đó, nếu không có bất kỳ giao dịch nào liên quan tới số tiền trong tài khoản hoặc sổ tiết kiệm thì phía ngân hàng sẽ phải liên hệ với anh để xác nhận…”.
“Theo sự hiểu biết của tôi thì tôi thấy rất yên tâm với những gì Thành nói kèm theo giấy tờ viết tay của Thành. Vì vậy vợ chồng tôi đã lần lượt gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng mà Thành chỉ định” – ông T. nói. Từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018, vợ chồng ông T. đã gửi tổng cộng 142 tỷ đồng vào 4 ngân hàng, trong đó tại Ngân hàng Việt Á 20 tỷ đồng.
Sổ tiết kiệm bị cầm cố, chủ tài khoản không biết ?
Cũng theo tường trình của ông T., bẵng đi một thời gian, đến ngày 6/12/2018, ông nghe được thông tin Nguyễn Thị Hà Thành đang bị giữ tại trụ sở của một ngân hàng vì bị tình nghi câu kết với một số đối tượng làm giả hồ sơ rút tiền trong sổ tiết kiệm của khách hàng.
Điển hình, ngày 6/12, ông T. tới phòng giao dịch Đông Đô để kiểm tra và được giao dịch viên cấp bản sao số dư trên sổ tiết kiệm là 20 tỷ đồng. Vẫn không yên tâm về khoản tiền của mình, ngày 12/12, ông T. đến trụ sở ngân hàng Việt Á tại phố Hàn Thuyên, Hà Nội đề nghị làm thủ tục cấp lại sổ đã thất lạc và rút tiền thì được thông báo sổ tiết kiệm đứng tên ông đã bị phong toả cho khoản vay và đã tất toán vào ngày 5/12/2018.
Thông báo kết quả giám định chữ ký
Trao đổi với PV, ông T. khẳng định chưa từng ký bất kỳ giấy tờ vay tiền hay bảo lãnh cho các khoản vay tại ngân hàng Việt Á nên khi nhận được thông báo từ phía ngân hàng vợ chồng ông vô cùng hoang mang, lo lắng. Ông T. cũng đặt nghi vấn tại sao chủ tài khoản không hề nhận được thông báo biến động giao dịch nào từ phía ngân hàng Việt Á cho đến khi ông đến ngân hàng để làm thủ tục rút tiền?
Trước tình huống trên, ông T. đã yêu cầu phía ngân hàng thực hiện giám định chữ ký, nếu đúng ông T. sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn không đúng thì phía ngân hàng phải có trách nhiệm cấp lại sổ để ông T. rút tiền.
Phía ngân hàng nói gì?
Theo đó, Ngân hàng Việt Á và ông T. đã xác lập biên bản, thống nhất gửi toàn bộ hồ sơ vay tiền cầm cố sổ tiết kiệm của ông T. sang cơ quan điều tra để tiến hành giám định chữ ký là thật hay giả.
“VAB cam kết trong vòng 15 ngày kể từ ngày 12/12/2018, nếu Cơ quan ANĐT kết luận hồ sơ vay tiền của ông T. không phải chữ ký của ông T. thì Việt Á thực hiện theo pháp luật để giải toả và trả lại sổ tiết kiệm…” – trích nội dung biên bản làm việc giữa ông T. và Việt Á.
Biên bản làm việc giữa đại diện Ngân hàng Việt Á và khách hàng.
Trao đối với PV Tiền Phong về sự việc trên, đại diện Ngân hàng Việt Á cho biết: “Hiện Ngân hàng Việt Á đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan An ninh điều tra để làm rõ vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng cũng như ngân hàng”.
Cũng theo vị cán bộ này, sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, ngày 24/12, Cơ quan ANĐT – Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội”.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 28/12, ông T. cho biết vừa nhận được thông báo “Kết luận giám định” của Cơ quan ANĐT – Công an TP Hà Nội. Theo đó, CQĐT xác định chữ ký trên hợp đồng “Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi số 501-366/18/VAB-HĐCC ngày 5/11/2018 và chữ ký đứng tên trên “Giấy đề nghị phong toả, nhập kho kiêm biên bản giao nhận tài sản đảm bảo” không phải là chữ ký, chữ viết của ông T.