Những trường hợp sổ tiết kiệm 'bốc hơi' khó ngờ

Nhiều người gửi tiết kiệm do tin tưởng không kiểm tra số dư thường xuyên, đến khi đi tất toán thì tiền trong tài khoản đã biến mất từ lâu.

17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ "bốc hơi' sau 5 năm gửi tại Oceanbank

Đây là sự việc gây hoang mang dư luận mấy ngày qua và đã có ba cán bộ của Ngân hàng Đại Dương bị khởi tố. Sự việc bắt nguồn từ năm 2012, 17 khách hàng đến OceanBank Hải Phòng trên đường Tô Hiệu để gửi tiết kiệm. Nhận sổ tiết kiệm từ ngân hàng, các khách hàng đã kiểm tra đối chiếu số tiền ghi trước khi mang về nhà cất giữ. Tuy nhiên, sau 5 năm, đầu tháng 9/2017, họ đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỷ đồng không có trong hệ thống.

Trong vụ việc này, ba người đã bị khởi tố là bà Trần Thị Kim Chi - nguyên giám đốc chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ - nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng - nguyên kiểm soát viên kế toán. Cả ba người này đã câu kết lừa đảo 17 khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng, nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng.

Để phục vụ công tác xác minh điều tra, ngân hàng được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ tài liệu, dữ liệu và dừng giao dịch những thẻ tiết kiệm có dấu hiệu làm giả cho đến khi có quyết định của cơ quan điều tra.

Sổ tiết kiệm 800 triệu "bốc hơi" còn 10 triệu

Giữa tháng 8 vừa qua, khách hàng gửi tiền tại một chi nhánh ngân hàng có vốn nhà nước chi phối ở Phú Thọ tá hoả khi đi tất toán sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng nhưng... chỉ còn lại 10 triệu đồng. 

Số tiền 790 triệu đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng. 

Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc mà khách hàng đang giữ không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên. Sổ tiết kiệm của vị khách có đầy đủ thông tin xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ ký của trưởng phòng giao dịch nhà băng này.

Vụ việc được ngân hàng chuyển đến công an để điều tra. Sau đó, một trưởng phòng của nhà băng đã bị bắt với hành vi tham ô tài sản. Vì ngoài số tiền chiếm đoạt 800 triệu trên, bà trưởng phòng này còn chiếm đoạt của nhiều khách hàng khác với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. 

Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 10/2011 đến tháng 5/2017, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ , nữ trưởng phòng này có hành vi tự ý rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, rồi chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Cụ thể, khi khách gửi vào ngân hàng, bà hướng dẫn ký mẫu chữ ký để đăng ký giao dịch, có 3 trường hợp người gửi tiền tiết kiệm, vì tin tưởng nên nhờ bà ký hộ.

Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, bà trưởng phòng tự ý ký giả chữ ký của 3 người, sau đó rút tiền sử dụng chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm, nữ trưởng phòng còn dùng thủ đoạn cho họ ký trước vào "Giấy lĩnh tiền mặt", "Bảng kê giao nhận tiền mặt" khống, sau đó tự ý rút tiền của sổ tiết kiệm.

Khách tố bị lừa ký khống và 32 tỷ trong sổ tiết kiệm 'bốc hơi'

Vụ việc xảy ra năm 2016 khi bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của một ngân hàng thương mại lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà.

Sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Ngày 20/4, hai bên chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch ở Giảng Võ. Theo bà Phương Anh, ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch là người trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm này. Trước lúc chuyển nhượng, ông Long đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không.

Cũng theo bà Anh, 2 ngày sau đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm thì chính ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy với tiêu đề "Giấy nộp tiền" nhưng không có nội dung. Ngoài ra, bà nói còn có thêm 2 tờ giấy hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước hạn.

Hơn hai tháng sau, bà nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống ngân hàng mới biết toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.

Phía ngân hàng cho rằng, sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng nên nhà băng đã chủ động thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc và báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo quy định của pháp luật.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG