Đừng đổ lỗi cho khách hàng
Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ tiết kiệm với những khoản tiền lớn từ hàng tỷ lên tới hàng chục tỷ khiến người ta phải hỏi: Sao có thể dễ dàng lấy tiền ra khỏi ngân hàng như “bị móc đồ giữa chợ? Trách nhiệm của ngân hàng đến đâu trong các vụ việc này?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, vụ rút ruột 48 tỷ đồng tiết kiệm của nữ nhân viên ngân hàng Eximbank tại Nghệ An, có dấu hiệu lừa đảo ngay từ đầu. “Sai đầu tiên thì thuộc về khách hàng, vì đã ký giấy trắng, tạo sơ hở cho đối tượng muốn lừa đảo. Nhưng cái sai cũng thuộc về ngân hàng. Doanh nghiệp rút tiền còn có kế toán trưởng, có uỷ nhiệm chi, còn ở đây khách hàng ký khống hay ký giấy không có nội dung, mà lạ là trong quy trình nguyên tắc bảo mật như vậy mà ngân hàng vẫn cho rút tiền” – ông Đức nhấn mạnh.
Có hay không quy trình và kỷ luật tiền tệ có dấu hiệu bị buông lỏng? Ông Đức nhìn nhận: Rõ ràng đang có sơ hở trong quy định, tuân thủ quy định và lơ là trong thanh, kiểm tra của hệ thống. “Ở đây, hễ có vụ việc nào thì ngân hàng, rồi cơ quan pháp luật, cơ quan công an đều đổ hết lỗi cho khách hàng. Trong khi đó, với các công ty chứng khoán, nếu nhân viên có giao dịch magin, thì Ủy ban Chứng khoán đã quy định rõ toàn bộ sai trái công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm. Ngân hàng là pháp nhân, rõ ràng không thể nói không có trách nhiệm”, ông Đức khẳng định.
Phân tích với PV Tiền Phong, giám đốc sở giao dịch một ngân hàng thương mại lớn cho hay, về sơ hở khiến cán bộ ngân hàng có thể rút tiền trên sổ của khách, ngoài chuyện giấy tờ khách hàng dễ dàng ký khống, sai sót còn xảy đến từ lỗi quy trình. Thông thường, có 3 người tham gia vào giao dịch này, trong đó có 1 kiểm soát, 1 cán bộ giao dịch và 1 người lập mã ký duyệt. Trong một số trường hợp xảy ra vừa qua, có thể do lãnh đạo ngân hàng tin nhân viên mà đọc “mã” duyệt cho khách hàng rút tiền (rồi làm thủ tục vào hôm sau và đổi mã mới). “Điều này dễ xảy ra ở những phòng giao dịch ít người, họ coi nhau như trong nhà. Nhưng những vụ việc lập lờ trắng đen vừa qua cho thấy, đã đến lúc các ngân hàng phải nâng cao kỷ luật, không được bỏ qua một công đoạn nào trong giao dịch”, vị này nhấn mạnh.
Khách hàng mất tiền trong sổ tiết kiệm và tài khoản, ngân hàng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sẽ thanh kiểm tra hàng loạt
Theo quy chê về tiền gửi, các ngân hàng đều quy định rất rõ là khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế với khách hàng VIP, họ thường nhờ các nhân viên quan hệ khách hàng hay nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không phải đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định… Lời khuyên cho các chủ sổ tiết kiệm được đưa ra là khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng.
Trước vụ việc, nhiều nhân viên nhà băng sa ngã hay cố tình làm trái quy định (ví như cấu kết với khách hàng khác, hay bỏ qua quy trình…), chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu từng lưu ý bao giờ một nhân viên ngân hàng cũng được “dạy” kỹ việc tuân thủ các quy định, nguyên tắc trong hoạt động giao dịch ngân hàng. “Quy định thì rất rõ, vấn đề là ở đạo đức và sự tuân thủ quy trình làm việc”, ông Hiếu lưu ý.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong số các vụ việc xảy ra thời gian qua, có vụ việc mang dấu hiệu lừa đảo và vi phạm pháp luật của cá nhân khách hàng (hoặc cán bộ ngân hàng), có vụ lỗi đến từ cả hai bên. “Quy trình gửi tiền đã có, vậy mà người gửi thì dễ dãi giao tiền tại nhà, còn ngân hàng lại cho cán bộ đến lấy để làm thủ tục, đây là điều không thể chấp nhận”, vị này cho biết. Nói về kỷ luật tiền tệ, lãnh đạo này khẳng định: “Không có chuyện cơ quan quản lý không làm gì. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ ra chỉ thị quán triệt kỹ việc tuân thủ các quy định liên quan đến mở tài khoản, chuyển khoản, rút tiền. Đồng thời, chúng tôi sẽ cho thanh kiểm tra hàng loạt các ngân hàng”.
Dồn dập những vụ mất tiền
- Bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh BIDV Tây Hồ vì cho rằng bị mất 32 tỷ đồng trong thẻ tiết kiệm. Lãnh đạo Chi nhánh Tây Hồ đã gặp trực tiếp bà Anh bày tỏ mong muốn bà cùng BIDV hợp tác với cơ quan công an để điều tra làm rõ.
- Tại Nghệ An, Nguyễn Thị Lam - nữ cán bộ ngân hàng Eximbank lạm dụng tín nhiệm rút ruột gần 50 tỷ đồng trên sổ tiết kiệm của hàng chục khách hàng. Lam đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen, lừa khách hàng ký vào các bản khống chỉ, sau đó tự viết tay những yêu cầu về nội dung (cần rút hoặc chuyển khoản bao nhiêu tiền) để nhân viên ngân hàng trực tiếp đánh máy vào các bản khống chỉ đã có chữ ký của khách hàng rồi trình kiểm soát viên ký duyệt. Ngoài ra, ở một số bản khống chỉ, Lam còn giả mạo chữ ký của khách hàng. Với thủ đoạn này, Lam đã trực tiếp rút 48 tỷ đồng, đứng tên 6 khách hàng.
Ngoài ra còn một loạt vụ xảy ra trước đó như khách báo mất 26 tỷ đồng của VPBank, vụ khách kêu bị rút tiền tỷ tại SCB…